Dubai - thành phố thẳng đứng
Thế nhưng, đó chỉ là một phần của
Trong ánh sáng rực rỡ của pháo hoa, lễ khánh thành tháp Burj Khalifa diễn ra vào ngày 04/01/2010. Tòa nhà siêu cao này đã được đổi từ tên gọi ban đầu, Burj Dubai nhằm tôn vinh quốc vương đang trị vì quốc gia giàu có tại Trung Đông, Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan. Theo đề xuất ban đầu thì đây sẽ là một bản sao mô phỏng tháp Grollo được đề xuất cho Melbourne, nhưng đã nhanh chóng được thiết kế lại với ý tưởng của kiến trúc sư Adrian Smith thuộc Skidmore Owings and Merrill (SOM), công ty kiến trúc và xây dựng lớn của Mỹ do Louis Skidmore và Nathaniel Owings thành lập năm 1936. Theo thiết kế đó thì tòa tháp cao khoảng 705m. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần tăng độ cao kể từ khi được khai móng vào năm 2004, đến ngày gần hoàn thành thì các con số chính thức mới được thông báo: tòa tháp sừng sững tại "Trung tâm mới" của Dubai có 164 tầng, cao 828m và chi phí xây dựng 1,69 tỷ USD do Tập đoàn Hàn Quốc Samsung Engineering & Construction đảm nhiệm thi công. Với chiều cao này, Burj Khalifa đã chính thức soán ngôi tòa nhà cao nhất thế giới của tháp Taipei 101 tại Đài Loan (cao 508m) và có thể được nhìn thấy từ độ xa cách tòa tháp khoảng 15km.
Mang ý tưởng thu hẹp khoảng cách giữa thế giới Arab truyền thống với phong cách phương Tây hiện đại, Burj Khalifa bao gồm 1.000 căn hộ, 49 tầng dành cho văn phòng và một khách sạn do chuyên gia thời trang danh tiếng Giorgio Armani thiết kế riêng. Toàn bộ bề mặt bên ngoài của tháp được làm bằng kính và thép có thể phủ kín diện tích của 17 sân bóng. Có tới 230.000m3 bê tông được sử dụng cho toàn bộ kết cấu tháp. Khoảng 12.000 nhân công đã cùng tham gia xây dựng và có thời điểm, cứ sau 3 ngày một tầng mới lại được mọc lên. Nằm dưới chân tháp là khu trung tâm Downtown Burj Dubai rộng 202ha, bao gồm 30.000 ngôi nhà, 9 khách sạn, một công viên rộng 24.000m2, khu mua sắm lớn nhất thế giới Dubai Mall rộng 836.000m2 và một hồ nước rộng 120.000m2. Để giúp tòa nhà tránh nắng nóng sa mạc, trung bình mỗi tiếng sẽ có khoảng 10.000 tấn dung dịch làm mát lan tỏa khắp các tầng, một lượng nước đủ để lấp đầy 20 bể bơi Olympic mỗi năm. Hệ thống thang máy phục vụ việc lên xuống trong tòa tháp cũng được đánh giá là cao nhất và nhanh nhất thế giới có vận tốc 10m mỗi giây. Với 57 thang máy đôi, mỗi buồng có sức chứa tối đa 21 người, du khách chỉ mất chưa đầy 2 phút để đi từ chân tháp lên đỉnh tòa nhà.
Tuy nhiên, sự xa hoa của tòa nhà này còn được tạo bởi hàng loạt những kỷ lục khác về nội thất với hệ thống khách sạn 7 sao chỉ dành cho giới thượng lưu, siêu thị với hàng ngàn gian hàng đồ hiệu, khu ẩm thực có thể làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất, rạp chiếu phim quy mô lớn, sân trượt băng khổng lồ, vườn cổ tích dành cho trẻ em và công viên đại dương diễm lệ chưa từng có... Hệ thống hồ nhân tạo của Burj Khalifa dài 275m với 5 khu vòng hồ bán nguyệt cùng đài phun nước giữ kỷ lục Guiness do có thể đẩy dòng nước lên cao hơn 300m. Nhờ khoảng 500.000 bóng đèn chiếu sáng, 6.600 đèn pha siêu sáng, 25 máy phát màu phản quang và có thể trình diễn được khoảng 1.000 kiểu phun nước nghệ thuật khác nhau, người ta có thể nhìn thấy đài phun nước của Burj Khalifa từ độ xa 32km và nó có thể coi là khu vực rực rỡ nhất Trung Đông về đêm.
Có hình cây kim nhọn hoắt, xứng danh với tên gọi: Thành phố thẳng đứng, sự tráng lệ của Burj Dubai có thể làm lu mờ mọi tòa cao ốc hiện có và đẩy lùi các giới hạn trong kiến trúc và xây dựng cũng như giúp UAE còn được biết đến như một vương quốc thịnh vượng sau cơn địa chấn nợ Dubai.