Hành trang lữ khách

Du xuân qua miền lễ hội – Nam Định

Cập nhật: 30/12/2010 15:03:04
Số lần đọc: 2482
Nam Định- mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, một trong những nét đặc trưng làm nên nét đẹp này, đó là vùng đất có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc.

Mùa Xuân về, trong tiết trời se lạnh nhưng tràn đầy sức sống của đất trời, cỏ cây hoa lá nảy mầm khoe sắc đơm hoa là dịp để khắp nơi trên cả nước mở lễ hội, một nét đẹp văn hóa truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Kẻ đi xa, người đi gần, trang phục lộng lẫy, hân hoan phấn khởi làm cho không khí đầu xuân càng thêm rạo rực. Có lẽ ai cũng muốn dành ít thời gian để vãn cảnh thiên nhiên đất trời, tận hưởng bầu không khí trong lành với mùa xuân tươi đẹp. Nam Định- mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, một trong những nét đặc trưng làm nên nét đẹp này, đó là vùng đất có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc. Về Nam Định là về với mảnh đất địa linh mà ở đó lễ hội được người dân gìn giữ từ nhiều đời như mạch nguồn sức mạnh của tinh thần yêu nước, yêu quê hương.

Đầu xuân, khi không khí tưng bừng đón Tết cổ truyền vẫn còn lan toả, mọi người lại nô nức rủ nhau trẩy hội chợ Viềng. Đây là phiên chợ chỉ diễn ra vào đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng giêng nên không chỉ người dân trong tỉnh mà du khách thập phương về chơi chợ, mua sắm cầu may. Chợ Viềng xuân thực sự là hội chợ đặc trưng của miền quê nông nghiệp giàu sản vật, một loại hội chợ "đấu xảo sinh động ngoài trời, trưng bày, giới thiệu, trao đổi những sản phẩm nông nghiệp do người nông dân làm ra, nhất là những loại cây cảnh, cây trồng đặc sản, cũng như những sản phẩm thủ công tinh xảo; từ đồ dùng sinh hoạt đến công cụ lao động bằng đồng, bằng sắt; từ đồ tế tự đến đồ trang sức mỹ nghệ, đồ chơi trẻ nhỏ,... Đặc biệt hơn cả, ai về chợ Viềng xuân cũng mua cho bằng được thịt bê thui, coi đó là món quà chợ, lộc hội không thể thiếu được trong tâm thức cầu may đầu xuân đi hội chợ Viềng. Những năm gần đây, du xuân chợ Viềng đã trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống tinh thần của nhân dân địa phương, đáp ứng được sự ngưỡng vọng của khách thập phương đối với vùng đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, đậm đà sắc thái văn hoá dân gian.

Trong không khí của lễ hội mùa xuân du khách về với lễ hội hoa cây cảnh Vị khê (tổ chức từ 12 đến 14 tháng giêng). Một trong những lễ hội truyền thống có những nét đặc trưng riêng của mảnh đất này và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật hoa cây cảnh, cây thế (Bonsai) của địa phương. Ngoài ra lễ hội còn tổ chức thi cây cảnh, cây thế; thi làm bể cảnh hay đúc hòn non bộ… Chính điều đó đã mở ra sự giao lưu giữa các làng hoa cây cảnh, các nghệ nhân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Lễ hội mùa xuân là khoảnh khắc diệu kỳ mà con người khát khao hướng tới. Đến với lễ hội được hoà mình với nghi thức tế lễ linh thiêng, khoảnh khắc đó ít nhiều mường tượng công cao, đức trọng cứu thế, giúp dân của các đấng vua hiền, danh tướng, đức Phật, đức chúa, thần tổ dạy nghề, mở đất. Đây là tinh hoa trong trường ca lịch sử, những nhân vật phi phàm, đỉnh cao của tài trí, đức độ thành thần tượng trong tâm thức dân gian. Dân gian tự nguyện phụng thờ Thần, Phật… và trông chờ sự âm phù cho gia cảnh, xóm làng, đất nước mưa thuận gió hoà, “quốc thái dân an”. Du xuân trên đất Nam Định còn rất tưng bừng ở Khu di tích đền Trần- chùa Tháp, người Việt nào cũng ước ao có một lần trong đời được dâng nén tâm hương đầu tiên trong năm mới tại Đền thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và tham dự lễ Khai ấn đầu năm- một phong tục đặc sắc được truyền lại từ đời vua Trần. Theo nhân dân kể lại, dịp đầu năm tại Đền Trần dân làng Tức Mặc bao giờ cũng tổ chức khai ấn. Buổi lễ trọng thể này được diễn ra vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng giêng đây là sự hồi ảnh của tập tục cổ. Lễ rước ấn bắt đầu từ đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường. Sau đó, hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “ Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “ Trần Triều Tự Điển, Tứ phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may, tránh mọi hoạn nạn rủi ro trong năm. Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là tín hiệu nhắc nhở chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc. Cùng với các lễ hội đầu xuân của địa phương, lễ Khai ấn đền Trần ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương, bởi nó mang đậm nét văn hoá cổ truyền và ý nghĩa tâm linh đối với mỗi người.

Hội Phủ Dầy (Kim Thái, Vụ Bản) là lễ hội mùa xuân tiêu biểu. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân từ mọi miền đất nước lại nô nức hành hương về Phủ Dầy. Từ bao đời nay, Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành "tứ bất tử" trong tín ngưỡng của dân tộc Việt. Tục thờ Mẫu nói chung, lễ hội Phủ Dầy nói riêng đã trở thành hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá cộng đồng, mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Hội Phủ Dày thực sự hấp dẫn khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc. Tiêu biểu nhất trong hội Phủ  Dầy là nghi lễ rước Thánh Mẫu và sinh hoạt văn hoá “Hoa trượng hội”… Lễ hội kéo dài từ ngày mồng ba đến ngày mồng tám tháng ba âm lịch. Mỗi người về lễ Mẫu đều mang theo những nguyện vọng riêng tư, những mong ước thầm lặng của mình; nhưng họ đều có chung một ý nghĩ đều cảm thấy Mẫu là vị Thánh có đầy quyền uy và có khả năng siêu phàm để phù hộ, độ trì cho muôn chúng sinh, và có thể ban phát phước lộc cho mọi người trong năm mới.

Ngoài ra, đi du xuân trên mảnh đất này du khách còn được hoà mình trong một số lễ hội làng với các trò chơi dân gian đặc sặc, độc đáo đặc trưng của từng vùng, miền, làng trong toàn tỉnh như: lễ hội chùa Bi (Nam Trực), lễ hội chùa Hải Anh (Hải Hậu), lễ hội đền Hạ Kỳ (Nghĩa Hưng), lễ hội làng An Nhân, làng Hồ Sen (Vụ Bản)... các trò chơi như chọi gà, đua thuyền, đấu vật, cờ người, thổi cơm thi, hội kéo chữ (Hoa trượng hội)… đã thực sự trở thành sinh hoạt văn hoá dân gian đậm đà bản sắc dân tộc của từng địa phương, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, học tập, đáp ứng nhu cầu giải trí văn hoá lành mạnh cho người dân ở các vùng nông thôn. Hội chọn vật lễ là một trong những nét độc đáo tại các lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta. Tiêu biểu là hội "Trư kiên bảo" (hội chọn lợn), "Kê kiên bảo" (Hội chọn gà) và hội chọn cá trong các lễ hội làng Thượng Linh, Côi Sơn, Quả Linh (Vụ Bản), Hữu Dụng, Làng Mụa (Ý Yên) và một số lễ hội làng ở các huyện Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc... Nguồn gốc của hội chọn vật lễ gắn liền với tín ngưỡng phồn thực, với khát vọng cầu mưa, mùa màng bội thu. Tuỳ theo lệ của từng làng và lệ của từng kỳ lễ mà làng có những quy ước, quy định riêng. Làng Tiên Hương (Vụ Bản) có tục thi chọn gà khá độc đáo. Hàng năm, cứ đến đêm mồng 2 tết, nhân dân làm lễ rước đuốc lên đền Thượng, núi An Thái, nơi thờ Tả Sơn Thần và Mẫu Thượng Ngàn. Tương truyền, đây là nơi mà dân làng đón tướng quân Đinh Lôi (Thần thành hoàng), người đã có công đánh giặc, bảo vệ sự yên bình, hạnh phúc cho đất nước, quê hương. Sau khi làm lễ, nhân dân mới tổ chức thi hội chọn các mâm gà theo tiêu chuẩn "đầu công, mình cuốc, chân vàng", gà phải được luộc chín tới, cách trang trí mâm gà phải đẹp. Người đạt giải sẽ được thưởng và sẽ gặp nhiều phúc, lộc trong năm. Rõ ràng, những nghi lễ chọn lợn, gà, cá đều mang dấu ấn tín ngưỡng văn hoá của cư dân nông nghiệp, có ý nghĩa nhân sinh sâu rộng, khuyến khích chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất.

Lễ hội mùa xuân không chỉ đơn thuần mang yếu tố tín ngưỡng thuần tuý mà còn là hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần mang đậm truyền thống, đạo lý tôn kính tổ tiên, "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công lao các vị anh hùng dân tộc có công xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước, những bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Du xuân trên đất Nam Định tràn ngập tiết xuân, thưởng lãm nhiều lễ hội truyền thống độc đáo sẽ giúp du khách thoải mái nghỉ ngơi để rồi chuẩn bị khởi đầu cho một năm mới với nhiều thành công mới đang chờ đón.

Nguồn: website du lịch Nam Đinh

Cùng chuyên mục