Kỳ thú sông Đà
Cây cầu dây văng Hang Tôm nối đôi bờ tả - hữu sông Đà giữa Điện Biên và Lai Châu một thời đi vào lịch sử, chứng tích hào hùng của dân tộc, là con đường huyết mạch để dân quân tải đạn, lương thực tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn đó. Chắc một ngày không xa cầu sẽ ngập chìm trong biển nước mênh mông. Gần đó là cây cầu Hang Tôm mới sừng sững vắt ngang đôi bờ.
Kỳ vĩ rêu phong những vách đá dựng đứng đôi bờ tả - hữu. |
Kể từ khi nước nổi dâng cao, nhiều tuyến đường, làng bản trên địa bàn tỉnh đã ngập. Dừng chân bên một ngôi nhà nổi ven sông, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống của người dân vùng lòng hồ. Nước dâng, các dòng suối trước đây trở thành sông, ngòi và thu hút hàng trăm loài cá đến kiếm ăn.
Đặc sản cá sông Đà là các loài chiên, lăng. Ngày xưa, khi nước chưa dâng có người bắt được con cá chiên to như con nghé, gần chục người thay nhau khiêng mới mang được về nhà. Từ khi nước nổi, cá to không thấy nhưng cá có vảy xuất hiện nhiều.
Đi gần tới địa bàn xã Nậm Mạ, dòng Đà giang bỗng đổi màu xanh ngắt, dòng nước cũng trở nên hiền hòa hơn. Một vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí đến lạ thường.
Núi đồi trập trùng soi bóng nước. |
Những vách núi cheo leo ngày nào giờ chạm được tay vào. Thảm thực vật bám trên những phiến đá với đủ các chủng loại. Những phiến đá rêu phong với nhiều hình thù kỳ lạ. Càng đi xuôi về các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ, chúng tôi càng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ thú, hoang sơ của sông nước Đà giang.