Hành trang lữ khách

Thú vị tản bộ bên ngôi làng cổ Đường Lâm – Hà Nội

Cập nhật: 13/01/2011 16:22:27
Số lần đọc: 2576
Nếu coi phố cổ Hội An là bảo tàng lối sống đô thị cổ truyền, thì Đường Lâm là bảo tàng sống của lối sống nông nghiệp, nông thôn truyền thống Việt Nam. Đây là làng Việt cổ đá ong tiêu biểu xứ Đoài, vùng đất cổ, đất thiêng của dân tộc. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt - quê hương của hai vị vua nổi tiếng là Ngô Quyền và Phùng Hưng.

Đường Lâm là làng cổ đầu tiên được công nhận di sản văn hóa quốc gia. Đến với Đường Lâm - chỉ cách Hà Nội 54km - du khách sẽ bắt gặp ngay những hình ảnh hết sức quen thuộc mà tiêu biểu của mỗi làng quê Việt Nam đã đi vào nỗi nhớ của bao người xa quê, đó là cây đa cổ thụ bên cổng làng rêu phong - là một trong những cổng làng đẹp nhất Việt Nam đã đi vào rất nhiều tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh. Du khách được tận hưởng cảm giác thư thái khi tản bộ từ cổng làng để đến với di tích nổi tiếng nằm ở vị trí cao nhất của làng có lịch sử gần 400 năm là đình Mông Phụ, thờ Tản Viên Sơn thánh – vị thần được coi là đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây là ngôi đình đặc trưng cho những ngôi đình của người Việt truyền thống.

Tiếp tục dạo bộ không xa, du khách bắt gặp những công trình làm nên bản sắc cho Đường Lâm, đó là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi nổi tiếng. Tại đây, ngoài sự đón tiếp hết sức đậm đà tình quê của chủ nhà bên chén trà xanh, miếng kẹo bột, quý khách được tìm hiểu và tham gia vào không gian sinh hoạt gia đình của hàng trăm năm trước với những gian nhà xây bằng gỗ và đá ong in màu năm tháng, những vật dụng nông nghiệp thô sơ như: Xe bò, cối xay lúa, cối giã gạo, chum tương, hũ rượu.

Sau khi dùng bữa trưa, nghỉ ngơi và mua ít quà quê như: Tương, rượu nếp, bánh tẻ, kẹo bột... tại nhà cổ, du khách lại tiếp tục hành trình đi bộ ngắm cảnh xóm làng để đi thăm chùa Mía có hàng trăm năm tuổi, được xếp hạng là di tích đặc biệt quan trọng với số lượng tượng phật hết sức đa dạng và giá trị, gồm 287 pho tượng. Hằng năm, có rất nhiều người hành hương về đây để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.

Sau khi đi thăm chùa Mía, du khách không thể nào bỏ qua hai địa danh nổi tiếng. Đầu tiên, chúng ta đến với đền thờ Phùng Hưng - người đã giành lại quyền độc lập tự chủ cho dân tộc chống ách đô hộ nhà Đường (766-779). Từ đền thờ này, chúng ta đi bộ khoảng 200m để tới khu di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền - ông tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam – người đã chỉ huy trận đánh trên sông Bạch Đằng năm 938 – một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc.

Cuối cùng, sau khi thành kính thắp nén tâm hương tưởng nhớ và tri ân những vị anh quân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, du khách tha hồ tận hưởng không gian trong lành, mát mẻ của vùng quê gần như chưa bị tác động của quá trình đô thị hóa. Trước khi chia tay Đường Lâm, du khách sẽ nuối tiếc vô cùng nếu không cùng nhau dạo bước và chụp ảnh bên dãy duối nghìn năm tuổi đẹp như tranh vẽ bên cạnh đền Ngô Quyền, tương truyền nơi đây đức Ngô Vương thường buộc voi sau khi tập trận.

Những năm gần đây, Đường Lâm đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn cho du khách quốc tế muốn tìm hiểu và khám phá bản sắc văn hóa làng xã Việt tiêu biểu. Đây cũng là nơi lý tưởng để mỗi người dân Việt Nam được trở về với những giá trị truyền thống hàng ngàn đời của cha ông, được nghe và hiểu thêm rất nhiều về những anh hùng dân tộc nổi tiếng của đất nước.
Nguồn: website báo Lao Động

Cùng chuyên mục