Thừa Thiên – Huế: Phục hồi thành công mộ vua Tự Đức bằng kỹ thuật xưa
Đây là kết quả của dự án “Đào tạo kỹ thuật và Bảo tồn Thử nghiệm tại công trình Bửu Thành môn và Bình phong khu mộ vua – lăng Tự Đức” do Bộ Ngoại giao CHLB Đức và Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội đóng góp tài trợ.
Dự án được thực hiện tại khu vực Bửu Thành Môn và Bình phong phần mộ vua Tự Đức từ tháng 11/2009-12/2010, với sự tham gia của nhóm chuyên gia bảo tồn GCREP do bà Andreas Teufel phụ trách cùng với 5 thành viên là cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐH), Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung ương – Chi nhánh Huế và thợ thủ công truyền thống Huế.
2 hai công trình được xây bằng gạch vữa, trang trí theo lối truyền thống; vữa bả màu, các họa tiết được thực hiện bằng các kỹ thuật khảm sành sứ, vẽ màu sống, phù điêu đắp nổi… mang phong cách tiêu biểu của kiến trúc Huế.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Phó giám đốc TTBTDTCĐH “Dự án đã nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng thành công một số kỹ năng bảo tồn trùng tu công trình di tích sử dụng vôi vữa và trang trí truyền thống ngoài trời vốn chịu nhiều tác động phức tạp của thời tiết khắc nghiệt ở Huế. Một số công thức sản xuất vôi vữa truyền thống để phục hồi màu sắc trang trí ngoại thất đã được thử nghiệm tại công trường dự án, và đang được kiểm tra để đăng ký cho ứng dụng trong các dự án bảo tồn di tích cũng như cho những công trình xây dựng mới ở Huế.
Đặc biệt, vấn đề khó khăn trong việc phục chế và tái chế các mảnh sành sứ chuyên dụng để trang trí đã được nghiên cứu và giải quyết, đạt được thành công đáng kể. Các chi tiết trang trí khảm sành sứ bị hư hỏng bong tróc của công trình này đã được phục hồi và gia cố hoàn chỉnh”.
Trong thời gian tổ chức Festival Huế 2010 vừa qua, GCREP và TTBTDTCĐH đã phối hợp tổ chức một triển lãm giới thiệu các qui trình bảo tồn, trùng tu cũng như những nghiên cứu về các loại vật liệu và công tác đào tạo cho các học viên địa phương đang được thực hiện tại công trường dự án mộ vua Tự Đức.