Tin tức - Sự kiện

Thanh Hoá: Đa dạng và phong phú các lễ hội mùa xuân

Cập nhật: 21/01/2011 13:01:28
Số lần đọc: 1903
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, với khoảng 160 lễ hội truyền thống liên quan đến di tích lịch sử văn hóa, danh thắng được Nhà nước công nhận, hiếm có nơi nào còn bảo lưu kho tàng dân ca nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian điển hình, phong phú và nhiều sắc màu trong các lễ hội mùa xuân như ở Thanh Hoá.

Diễn ra quanh năm nhưng mùa lễ hội ở xứ Thanh tập trung ngay từ sau Tết nguyên đán, kéo dài suốt tháng hai, tháng ba và đầu tháng tư âm lịch. Vì thế, cứ mỗi độ tết đến xuân về, người dân xứ Thanh cũng như du khách thập phương lại nô nức đi lễ hội để tưởng nhớ đến những nhân vật có công với dân, với nước, để cầu cho quốc thịnh dân an hoặc tham gia những lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ mẫu, thờ các vị thành hoàng (vừa là nhiên thần, thiên thần và nhân thần), thờ bà chúa thượng ngàn... Trong các lễ hội này, ngoài các nghi thức cúng bái, rước tế mang tính linh thiêng thì các trò chơi, trò diễn chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Điều này thể hiện rất rõ nét trong các lễ hội có quy mô lớn như lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn, Bà Triệu, Mai An Tiêm... đến các lễ hội vừa và nhỏ như hội đền Sòng, đền Hàn Sơn, Sùng Nghiêm, Phủ Na, Độc Cước, Cô Tiên, lễ hội của làng, xã... Các trò chơi, trò diễn không biết từ bao giờ đã gắn liền với các lễ hội để mỗi khi nhắc đến lễ hội Lam Kinh, người ta nhớ ngay đến trò Xuân Phả, Sanh Ngô; nhắc đến lễ hội đền Độc Cước, đền Cô Tiên (thị xã Sầm Sơn) là nhắc đến trò đi cà kheo; hát chầu văn, lên đồng ở lễ hội đền Hàn, đền Sòng; trò "Ngô - Triệu giao quân" trong lễ hội Bà Triệu... Các lễ hội mùa xuân đang trở thành tiềm năng du lịch ở Thanh Hoá. Và để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch này, tỉnh Thanh Hoá, ngành văn hoá - thể thao - du lịch cần nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch, tiến tới xây dựng vững chắc “hình ảnh du lịch lễ hội Thanh Hóa" trong nước và trong khu vực để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của du khách gần xa.


Để bảo đảm tổ chức và quản lý tốt các lễ hội mùa xuân 2011, tỉnh Thanh Hoá đang tích cực thực hiện một số biện pháp như: ngăn chặn triệt để các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc; chống mọi biểu hiện thương mại hóa lễ hội bằng việc đặt hòm công đức tùy tiện, các khoản thu phí không hợp lý, trái với quy định; xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, chống ùn tắc giao thông cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường trước, trong và sau lễ hội...


Được biết, mùa lễ hội 2011, một số doanh nghiệp lữ hành ở Thanh Hoá lên kế hoạch tổ chức các tour du lịch đến các địa điểm lễ hội nổi tiếng như: Sầm Sơn - lễ hội đền Độc Cước, Lam Kinh - lễ hội Lam Kinh, thành nhà Hồ - suối cá thần Cẩm Thuỷ.../.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT