Hành trang lữ khách

Cuối năm đi chợ Bắc Hà

Cập nhật: 30/01/2011 08:10:19
Số lần đọc: 3079
Chợ Bắc Hà nằm ngay trung tâm thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) thuộc địa phận xã Tà Chải. Vào một ngày thứ bảy dịp áp Tết, khi hoa đào nở rộn ràng khắp núi rừng, mới khoảng 2h chiều, từng đoàn người từ những xã xa xôi trong huyện như Cán Cấu, Tả Cù Tỷ, Nậm Đét... đã nườm nượp kéo về phiên chợ. Phần lớn họ đi bằng ngựa và thồ đủ các lâm thổ sản về bán.

Người đi chợ đâu chỉ bán mua

Rậm rịch từng đàn ngựa và người đổ về chợ. Diện tích chính của chợ Bắc Hà rộng chừng 1 ha, nhưng kể cả vòng ngoài phải gấp đôi. Ngựa buộc hoặc thả ngoài chợ, người vào trong. Có đến chục dãy nhà, sắp xếp từ cao xuống thấp với rất nhiều quầy hàng được bố trí khá thứ tự. Có điều hơi khác với chợ miền xuôi là không khí không ồn ào và hầu như không thấy tiếng cãi vã, mặc dù có đến ngót vạn người. Sản phẩm địa phương có nhiều thứ, nhất là các loại biệt dược nổi tiếng như: Tam thất, đỗ trọng, gấu Tàu, ý dĩ... được bày bán trong các quầy hàng và kể cả trên mẹt, thúng ngoài chợ và giá cả khá rẻ.

Nói đến chợ Bắc Hà phải nói đến món thắng cố và rượu. Tôi có cảm tưởng cả chợ chỗ nào cũng bán rượu. Cũng xin nói thêm, rượu Bắc Hà trong vắt như nước mưa, đặc biệt là rượu ở xã Bản Phố, nguyên liệu chủ yếu là ngô, được ủ với men của địa phương, được cất lên. Nồng độ có thể đạt đến 600, bình thường cũng phải 45 – 500. Uống rượu ở đây có thể bị say, tất nhiên rồi, nhưng tuyệt nhiên không bị đau đầu và sốc như nhiều loại rượu “quốc lủi” khác. Lạ một điều, gần như ai đi chợ cũng uống rượu.

Còn dãy Thắng cố gần như dài và to nhất chợ. Đây là những chiếc chảo to được đặt trên 3 hòn đá làm chân kiềng. Củi được đốt lên, đượm than hồng. Nước trong chảo sôi sùng sục, người ta bỏ vào đấy nhiều loại xương còn nhiều thịt như (dê, bò, lợn, ngựa), thịt ba chỉ, cả bộ lòng đầy đủ đã làm sạch và nhiều lúc có cả ít da (sạch lông), mùi thảo quả, húng lìu bốc lên ngào ngạt.

Bạn bè mời nhau ngồi quanh đó. Gia vị gồm các thứ ớt, tỏi, rau thơm, nõn chuối, búp cây chua. Rượu được rót vào bát ăn cơm, Thắng cố được múc vào bát to hoặc chiếc máng bằng tre, thế là lặng lẽ uống, lặng lẽ ăn và say không biết lúc nào. Họ say la đà, gật gù bên nồi Thắng cố mà vẫn rủ rỉ trò chuyện. Các bà vợ, chắc công việc mua bán đã xong, đứng nhẫn nại, cầm ô che nắng cho chồng. Nhiều khi người chồng say ơi là say thì người vợ lại chịu khó dìu chồng lên ngựa, thủng thẳng đi về phía thung xa.

Những khúc tự tình dưới rừng mận

Ở Bắc Hà nổi tiếng với đặc sản mận Tam hoa, vào đầu mùa xuân hoa mận nở trắng núi đồi.

Dưới rừng mận hoặc ven đồi, từng cặp trai gái, người Mông ngồi tự tình, hẹn hò trò chuyện lứa đôi. Chính cái phiên chợ này họ sẽ nên vợ, nên chồng. Anh con trai Mông tài hoa ngồi thổi đàn môi, như lời ru dương rót vào tai người con gái:

Ta đi tìm nàng dù trời sập chẳng sợ

Ta đi kiếm em dù đất lở chẳng rời...

Nếu ta là hạt sương

Ta xin tan dưới bàn chân nàng.

Mùa xuân các chàng trai, với chiếc khèn trên tay, sẵn sàng biểu diễn khi đến nơi hoạt động văn hóa thông tin, tại các hội vật hay ném còn.

Đến 12 giờ trưa, chợ vẫn còn đông lắm, đến 2 giờ chiều chợ bắt đầu vãn dần và họ lục tục rủ nhau lên ngựa ra về. Những cô gái Mông đi thành từng nhóm dăm ba người, mặt rạng ngời sung sướng, sau một ngày gặp gỡ bạn bè, trên lưng đầy một “lu cở” hàng hóa rục rịch rời chợ.

Mặt trời đã ngả bóng dài, mà tiếng hát giao duyên đây đó vẫn còn vang xa trên đường núi:

“Con người làm chủ núi

Con người trồng cây

Con người vùng cao

Sống vui giữa những ngày chợ”.

Nguồn: Báo Văn Hóa

Cùng chuyên mục