Non nước Việt Nam

Đền Nhược Sơn (Yên Bái) - Điểm đến của tâm linh

Cập nhật: 11/02/2011 09:02:20
Số lần đọc: 2635
Nằm bên bờ sông Hồng, cách thị trấn Mậu A (Văn Yên) chừng 41 km theo đường tỉnh lộ 151 là tới Khu di tích lịch sử - văn hóa đền Nhược Sơn.

Khu di tích này thuộc thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, là đền thờ ngài Hà Khắc Chương - một nhân vật có thật trong lịch sử, một võ tướng tài ba thời nhà Trần, người đã có những đóng góp to lớn trong việc trấn giữ vùng biên cương phía Bắc, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trước quân xâm lược Nguyên Mông. Khu di tích đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia số 72/QĐ - BVHTT ngày 16/11/2005.

 

Ngược từ thành phố Yên Bái đến bến đò Nhược Sơn khoảng 70 km, chúng tôi theo dòng người đổ về lễ hội đền Nhược Sơn. Hàng năm, cứ vào ngày 20 tháng Giêng và 20 tháng Chín (âm lịch), nhân dân địa phương lại náo nức, chuẩn bị cho công tác đón du khách thập phương về dự lễ hộ đền, Thời gian gần đây, không chỉ người dân địa phương, trong huyện, trong tỉnh mà còn có rất nhiều du khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành khác trong cả nước tìm đến với lễ hội đền.

 

Người dân địa phương gọi đền Nhược Sơn bằng tiếng bản địa là Loòng Mẹac, Tại Mẹac. Đền nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng bên bờ sông Hồng, được nhân dân lập nên để thờ ngài Hà Chương. Theo "Hồ sơ di tích đền Nhược Sơn" thì vào mùa xuân, tháng Hai năm Đinh Hợi 1287, vua Nguyên Mông đem hơn 30 vạn quân sang tiến đánh nước ta. Trước khi quân Nguyên Mông vào xâm lược nước ta, Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã sắc phong Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công Tiết chế chỉ huy toàn bộ quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Vua Trần đã tổ chức hội nghị các bô lão trong cả nước tại Điện Diên Hồng để hỏi ý kiến nhân dân và cả nước đã đồng lòng quyết tâm đứng lên đánh giặc. Ta đã chủ động tổ chức đánh cầm cự và sử dụng chiến tranh du kích “vườn không nhà trống” để tiêu hao sinh lực địch.

 

Đạo quân Nguyên Mông do Nạt Tốc Lạt Đinh chỉ huy chạy ngược theo sông Lô về Vân Nam, đã bị quân dân địa phương do anh em Hà Đặc, Hà Chương chặn đánh, có nhiều chiến thuật làm cho địch hoảng sợ. Và khi đuổi quân giặc tới tận A Lạp thì bị đạo quân đi sau của giặc chặn đánh, Hà Đặc đã hy sinh, Hà Chương bị bắt. Lợi dụng đêm tối và sự sơ hở của giặc, Hà Chương đã lấy cờ xí và y phục quân giặc trốn về, giả làm quân giặc và đã đánh đuổi quân Nguyên Mông về Vân Nam. Trong khi truy kích quân địch, Hà Chương đã lọt vào trận địa mai phục của địch, bị thương nặng và chết, được đưa sang sông chôn cất ở cửa thác Nhược Sơn.

 

Tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ vị tướng tài ba cũng là thể hiện ước vọng về một cuộc sống yên bình, no ấm, vào ngày 20 tháng Giêng và 20 tháng Chín (âm lịch) hàng năm, nhân dân nơi đây làm lễ tế trâu đen và dâng hương. Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như: đẩy gậy, chọi gà, đánh cầu chinh… thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia. Ngày nay, đền Nhược Sơn được khôi phục, tôn tạo nhằm giữ gìn một di sản văn hóa lịch sử của địa phương, tạo môi trường tâm linh giữa khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

 

Giữa thiên nhiên kỳ thú, trước phong cảnh huyền diệu của ngôi đền, tranh tượng uy nghiêm lộng lẫy, khăn áo rực rỡ hoặc trong những ngày lễ hội, được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận ý nghĩa sâu xa của quá khứ hào hùng, nối tiếp truyền thống và nếp sống đạo đức nhân nghĩa hiếu thảo của dân tộc.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT