Hành hương xứ chùa vàng - Myanmar
Hàng ngàn ngôi chùa trên khắp đất nước Myanmar, từ Yangon đến Mandalay hay Bagan đều phủ lên mình một màu vàng rực rỡ. Ở đó, những pho tượng dù không còn giữ những đường nét, họa tiết tinh xảo trong nghệ thuật điêu khắc vốn rất tài tình của những người thợ, nhưng thay vào đó là những lá vàng mỏng dính do người dân, từ trẻ đến già và tất nhiên có cả hàng ngàn du khách đã đính vào, khiến những pho tượng thêm bội phần lộng lẫy. Ngoài vàng bạc, rất nhiều pho tượng, nhiều vật trang trí trong các ngôi chùa còn được đính kim cương, đá quý. Có lẽ người dân Myanmar dành nhiều tài sản, nhiều thời gian đóng góp cho chùa vì họ xem chùa là nhà, là nơi họ đi về trong sự bình yên và thanh thản nhất.
Trên phế tích thành phố cổ Bagan vẫn còn hơn 2.000 ngôi tháp bằng đất nung rực đỏ, cả ngàn năm phơi mình dưới ánh mặt trời bên dòng Irrawaddy hùng vĩ. Nằm ngay trung tâm Bagan, chùa Shwezigon nổi tiếng linh thiêng nhất vùng, là một trong những ngôi chùa được xây dựng đầu tiên và cũng là mô hình cho toàn bộ các công trình kiến trúc chùa chiền về sau trên đất Myanmar.
Trước khi bước vào ngôi chùa chính, bạn sẽ gặp ngôi đền thờ các vị nat (thần linh trong văn hóa truyền thống địa phương) với những hình dáng khác nhau nằm ở gian thờ phía bên trái của Shwezigon. Theo con đường nhỏ đi dần ra phía sau, màu vàng rực rỡ của ngôi chùa dần hiện ra với những tầng tháp vút cao. Bốn cạnh chùa là bốn dãy cầu thang dẫn lên tháp chính, bốn góc là bốn con sư tử oai vệ nằm trấn giữ. Đỉnh tháp hình quả chuông úp, gần đỉnh là những vòng tròn treo những chiếc chuông phát ra âm thanh ngân vang theo từng cơn gió. Chùa còn có một ngôi tháp thờ tượng đức Phật đứng bằng vàng, đôi mắt từ bi hướng về chúng sinh.
Rời Shwezigon, chúng ta đến với ngôi chùa linh thiêng khác mang tên Ananda. Tuy không lớn, nhưng Ananda có kiến trúc khá độc đáo, nhất là hệ thống lấy ánh sáng tự nhiên đủ để các bức tượng Phật luôn lung linh từ mọi góc nhìn. Bốn bức tượng Phật được xây dựng từ thế kỷ XI, qua hàng ngàn năm, dáng vẻ uy nghiêm vẫn nguyên vẹn với dáng áo mỏng xếp nếp, bó sát người, đôi mắt khép hờ nhìn xuống như đang ban phúc lành và hạnh phúc cho muôn người.
Chùa Manuha lại mang một sắc thái khác, thể hiện tình cảm và tâm tư của một vị sư tạc tượng Phật như đang tạc tượng chính mình. Bức tượng Phật ngồi cao khoảng hơn 10m, ngực căng lên như người khó thở, vẻ tượng đầy bức bối, như hoàn cảnh nhà sư bị cầm tù tại nơi này khi không tuân lệnh vua giao các bộ kinh Phật quý.
Tự viện Golden Palace mang đến cho chúng ta sự kinh ngạc bởi phong cách kiến trúc độc đáo và đầy ấn tượng. Nhìn từ ngoài vào, tự viện là một khối nhà đen được làm bằng loại gỗ tếch của rừng già Myanmar, trên suốt dọc dãy hành lang, những cánh cửa gỗ dày mang đầy những hình tượng điêu khắc tuyệt đẹp. Giữa chính điện là pho tượng Phật vàng uy nghiêm trên bệ thờ cao ngang đầu người. Trong không gian mờ ảo và thâm nghiêm, bạn có cảm giác như đâu đó đức Phật đang dõi theo từng bước chân của mình.
Rời tự viện Golden Palace, chùa Kuthodaw là điểm kết cho chuyến khám phá vùng đất Bagan kỳ bí. Trước mặt chúng ta là dãy hành lang dài dẫn vào chính điện thờ Phật, hai bên là khoảng sân rộng nằm đối xứng nhau theo trục chính. Dãy sân bên phải trước khi vào chùa toát lên một màu trắng lung linh của 729 cụm tháp chứa 729 bia khắc Tam Tạng kinh - một công trình độc đáo và duy nhất có tại Myanmar. Nằm dưới những tán cây khô màu nâu đen in bóng lên bầu trời xanh ngát, cụm bia tháp cuốn hút chúng ta đến kỳ lạ, như muốn níu kéo, như mãi luyến lưu.
Chúng ta rời Bagan vào buổi bình minh để đến Mandalay và Yangon với nhiều khám phá mới trong chuyến hành hương đầu xuân như Shwedagon - ngôi chùa nổi tiếng với tám xá lợi tóc Phật được cất giữ. Chùa có chiều cao đến 99m, được trang trí bởi những lá vàng ghép lại cùng vô số đá quý và kim cương. Ngoài ra, chùa Kyaiktiyo (Golden Rock) nằm trên một ngọn núi ở gần thị trấn Kyaikto, quận Thaton, nơi được du khách tin rằng đang lưu giữ một phần xá lợi - sợi tóc của đức Phật cũng vô cùng độc đáo. Kyaiktiyo nằm cheo leo trên một tảng đá dát vàng chông chênh nơi bờ vực cả ngàn năm mà không đổ. Người dân tin rằng, phép màu của sợi tóc Phật lưu giữ tại đây đã làm nên điều kỳ diệu đó.
Rời xứ chùa vàng, chuyến hành hương của chúng ta mang trọn vẹn ý nghĩa của một hành trình về với đất Phật, mọi lo toan trong lòng dường như đã gửi lại bên những ngôi tháp hay cuốn theo dòng Irrawady về phía chân trời.