Phú Thọ: Bảo tồn và phát huy các hoạt động văn nghệ dân gian ở Thanh Thủy
Bên cạnh các lễ hội truyền thống được lưu truyền cho đến ngày nay như: Lễ hội Đền Lăng Sương, Đền Đào Xá, Đình Viễn Lãm, Đình La Phù…, nhiều hoạt động văn nghệ dân gian của nhân dân các dân tộc trong huyện cũng đã và đang được các cấp, các ngành có liên quan tích cực quan tâm khôi phục, phát triển.
Huyện Thanh Thủy có 15 dân tộc anh em cùng chung sống. Chính sự đa dạng về dân tộc, con người với các phong tục, tập quán khác nhau đã tạo nên một bức tranh văn hóa nhiều màu sắc với các hoạt động văn nghệ dân gian truyền thống mang những nét đặc trưng riêng của từng dân tộc. Mặc dù một số lễ hội đã bị mai một hoặc thất truyền nhưng bên cạnh đó, nhiều lễ hội đã được lưu giữ, phục dựng đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo bà con.
Nhận thấy đây là những giá trị tinh thần to lớn cần lưu giữ đồng thời cũng là lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch nên những năm qua, lãnh đạo huyện Thanh Thủy đã rất coi trọng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn nghệ dân gian, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch theo không gian vùng. Vùng I gồm các xã Đào Xá, Xuân Lộc, Thạch Đồng - là vùng du lịch lễ hội truyền thống gắn với các di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng với lễ hội bơi chải, múa rối ở Xuân Lộc, diễn xướng dân gian hát văn Lạc Việt, hát Xoan Đào Xá... Vùng II là vùng du lịch trung tâm của huyện còn vùng III gồm các xã Trung Nghĩa, Phượng Mao, Yến Mao với điển hình là vùng du lịch tâm linh, giáo dục văn hóa truyền thống hướng về cội nguồn di tích lịch sử với các trò chơi dân gian diễn xướng cồng chiêng, hát Ví, hát Giang của dân tộc Mường... Bên cạnh đó, thông qua các chi hội văn nghệ dân gian, truyền thuyết, lịch sử, ý nghĩa của các hoạt động văn nghệ dân gian… được lưu truyền và nghiên cứu, biên soạn lại đã được phổ biến rộng rãi đến đông đảo người dân. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân gian đã được thành lập như: CLB hát văn Lạc Việt, CLB hát dân ca, CLB hát Ghẹo – xã Đào Xá; CLB hát Chèo cổ xã Đoan Hạ… Ngoài ra, tại các khu dân cư, phong trào hát dân ca cũng đã lan truyền rộng khắp. Đến nay, đã có 150/150 khu dân cư trong toàn huyện thành lập đội văn nghệ.
Với 12 thành viên, người già nhất đã bước sang tuổi 80, người trẻ nhất cũng đã vượt qua cái ngưỡng "lục tuần" nhưng những thành viên của CLB đàn hát dân ca Hội Người cao tuổi xã Đoan Hạ vẫn rất say mê với nghệ thuật hát Chèo cổ. Những thành viên trong CLB cho biết: Từ những năm 50 của thế kỷ trước, phong trào hát Tuồng cổ, Chèo cổ, cải lương… đã phát triển mạnh mẽ ở xã Đoan Hạ. Trải qua những thăng trầm, biến cố, phong trào có lúc trỗi dậy khi lại lắng xuống tưởng chừng mai một… nhưng trong trái tim của những người yêu nghệ thuật hát dân ca vẫn luôn tồn tại mãnh liệt. Được sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo chính quyền địa phương mọi người quyết tâm khôi phục và phát triển nghệ thuật hát Chèo cổ ở Đoan Hạ. Ông Lỗ Tiến Thành – nguyên Trưởng phòng văn hóa huyện Thanh Thủy, thành viên CLB cho biết: Nghệ thuật hát Chèo có những đặc trưng rất riêng, lời ca luôn lắng đọng, mượt mà, đi sâu vào tâm hồn của mỗi con người. Chính vì sự gần gũi, giản dị nhưng vẫn thanh tao, lôi cuốn của nghệ thuật Chèo mà tôi và các thành viên khác trong CLB đều có chung niềm đam mê, tâm huyết với Chèo. Thiếu Chèo như thiếu một món ăn tinh thần thiết yếu của cuộc sống vậy…
Thành lập hơn chục năm nay, CLB luôn tổ chức sinh hoạt rất đều đặn 3 lần/ tháng để cùng nhau luyện tập, trau dồi nghiệp vụ. Và những người của năm xưa nay đã bước sang tuổi "thất thập" như ông Dụng, ông Thành, ông Cương… vẫn là những tay trống, tay phách cừ khôi…
Ông Trần Văn Cương – Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Hầu hết các thành viên của CLB đều có trình độ Sơ cấp, Trung cấp về hát Chèo, 07/12 người từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa. Trong thời gian tới, CLB quyết tâm sẽ nhân rộng phong trào đến với đông đảo người dân trong xã đặc biệt là thế hệ trẻ.