Tin tức - Sự kiện

Quảng bá làn điệu Hát dậm Quyển Sơn (Hà Nam) tới bạn bè thế giới

Cập nhật: 21/03/2011 08:59:22
Số lần đọc: 2198
Hát dậm Quyển Sơn, loại hình “ca – múa – nhạc” đặc sắc vẫn đang được người dân Hà Nam ngày đêm gìn giữ. Mấy trăm năm qua, không chỉ gìn giữ, hát dậm Quyển Sơn còn được các nghệ nhân chân đất nơi đây quảng bá đến 16 quốc gia trong các đợt lưu diễn.

Câu hát dậm năm xưa

 

Hát dậm, người dân nơi đây quen gọi là hát dậm Quyển Sơn. Bởi lẽ, không đâu có loại hình múa hát độc đáo này, ngoài làng Quyển Sơn. Làng Quyển Sơn phong thủy hữu tình, có Đền Trúc – Ngũ Động linh thiêng, có con sông Đáy hiền hòa chảy qua. Hát dậm đã có từ rất lâu đời, đến như cụ Trịnh Thị Răm, người sống ngót ngét trăm tuổi, thuộc tất cả 38 làn điệu hát dậm vẫn tự cho mình chỉ là thế hệ con cháu, nghe hơi nồi chõ…

 

Tương truyền, Thái úy Lý Thường Kiệt sau khi đánh thắng quân Chiêm Thành, khi thuyền lững lờ trôi trên dòng sông Đáy, người thấy mảnh đất nơi đây non xanh nước biếc, phong cảnh nên thơ đã sai quân lính dựng trại nghỉ ngơi. Những ngày sau đó, ông mở tiệc khao quân. Tiệc tùng say sưa, cảm hứng dâng trào cộng với phong cảnh nên thơ, người đã ngâm nga sáng tác ra những câu hát mà ngày nay người dân Quyển Sơn gọi là hát “dậm”. Theo các cụ bô lão trong làng, chính cái tên hát “dậm” hay hát “dặm” cũng gây nhiều tranh cãi. Đa phần, ý kiến cho rằng hát “dậm” mới là chính xác cả về ngôn từ lẫn ý nghĩa. Trong 38 làn điệu của hát dậm, có rất nhiều động tác phải miêu tả hành động đánh “dậm” (một dụng cụ để bắt tôm cá).

 

Hát dậm… xuất ngoại

 

Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hát dậm Quyển Sơn dần bị phai nhạt. Dân làng không thể tổ chức lễ hội, phường dậm cũng vì thế mà dần tan rã. Vào khoảng cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa tìm về Quyển Sơn với ý định khôi phục làn điệu hát dậm. Các cụ, các bà ngày trước từng tham gia phường dậm được mời về Hà Nội biểu diễn hát dậm. Những buổi biểu diễn đó được ghi hình, nén vào băng để làm tư liệu nghiên cứu. Cũng nhờ đó, phường dậm được khôi phục trở lại.

 

Chừng ba năm sau, có một Việt kiều tên Ensola Thủy đến tận nhà mời cụ Trịnh Thị Răm sang nước ngoài để biểu diễn hát dậm.  Cụ Răm cho biết “Thoạt đầu tôi rất lo lắng, tự nhiên ai lại mời mình đi chơi, lại còn Tây Tàu gì đó, mình biết cái gì mà đi. Nhưng sau nghe cô Việt kiều tâm sự, tôi hiểu ra nên đồng ý”- cụ Răm nhớ lại. Trong chuyến đi đó, ngoài cụ Răm còn có 6 người khác quê ở tỉnh Thái Bình. Sang bên đó, bà con người Việt mình thân thiện mến khách lắm. Cả Tây và ta chăm chú lắng nghe, vỗ tay ủng hộ rất hào hứng. Nói đến đây, gương mặt cụ bỗng rạng ngời, nụ cười móm mém của cái tuổi 90. Chuyến lưu diễn đó xuyên qua nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Ca-na-đa, Đan Mạch, Thụy Điển… Sau đó, nhiều lần bà con Việt kiều tại Bỉ mời cụ sang biểu diễn. Tính đến nay, cụ Răm đã đặt chân đến 16 quốc gia để biểu diễn loại hình hát dậm. Cụ Răm cười và bảo: “Tuy cũng mệt lắm nhưng mà tâm hồn mình thấy vui, qua hát dậm tôi có thể giới thiệu tới các nước bạn về một nét văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc”. Năm 2003, cụ Răm vinh dự được phong danh hiệu cao quý “Nghệ nhân dân gian” về hát dậm.

Nguồn: website QĐND

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT