Hấp dẫn văn hóa Mường, Hòa Bình
Theo lịch trình của chuyến đi, mặc dù điểm đến Thung Nai xa nhất, nhưng chúng tôi lại được thăm nơi này trước. Vượt qua cung đường uốn lượn, Thung Nai nhanh chóng hiển hiện ra trước mắt. Quả thật, lời ví von, Thung Nai như một Vịnh Hạ Long trên cạn không quá cường điệu. Từ trên bến phà Bình Thanh, Thung Nai rộng lớn mênh mông, với làn nước xanh thẳm bao quanh các đảo nhỏ đẹp đến bất ngờ.
Từ cảng Bình Thanh, chúng tôi men theo lòng hồ sông Đà uốn lượn, quanh co bằng thuyền máy ghé thăm đền Bà chúa Thác Bờ nổi tiếng. Cuối mùa lễ hội, đền không đông đúc và nhộn nhịp, nhưng quanh đó vẫn có các mế người dân tộc bán các thứ thuốc lá, rễ cây, măng khô phơi gác bếp hay những gian hàng bán món ăn từ gió nước sông Đà như cá nướng, tôm tươi nóng hổi, thơm bùi từ các con ngạch. Cách đền Thác Bờ có bản Ngòi Hoa, một bản người Mường hoang sơ và một đảo nhỏ mang tên đảo Quạ với nhiều nét riêng, thú vị.
Hơn 1 giờ đồng hồ khám phá Thung Nai, chúng tôi quay ngược về Bảo tàng Văn hóa Mường của họa sĩ trẻ tài ba Vũ Đức Hiếu. Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ hẹp, vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Một không gian sống động, thể hiện đời sống, văn hóa, kinh tế nông nghiệp cổ truyền đã tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc Mường. Lần lượt theo chân cô dẫn hướng dẫn viên người Mường Đinh Thị Phú, văn hóa Mường được tái hiện sinh động như: Nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc (Noọc), nhà Noóc Trọi (Noọc kloi). Điều thú vị và khiến du khách không khỏi bất ngờ là ở đây từ những vật trang trí nhỏ nhất cũng nói lên những đặc trưng, lối sống của người Mường.
Nhà Lang với hàng rào bện rơm tượng trưng cho đời sống no đủ, đến những hàng súng kíp, súng săn, những bộ lông thú biểu hiện cho sức mạnh của người đàn ông và sự giàu có. Đặc biệt ấn tượng là hàng trăm dụng cụ làm nương rẫy của người Mường từ cối xay, cối giã gạo, thùng đựng muối, mõ trâu, khung dệt vải quay sợi,... được sưu tầm, chọn lọc và trưng bày. Với những gì được thể hiện tại bảo tàng cho thấy người Mường là dân tộc có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người Việt cổ, nằm trên vùng đất văn hóa lớn đã được thế giới công nhận: nền Văn hóa Hòa Bình.
Rời Bảo tàng Văn hóa Mường, chúng tôi xuôi về bản Giang Mỗ. Hơn 100 nếp nhà sàn quây quần bình yên trong một thung lũng nhỏ nằm dưới chân núi Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong. Sức hút đặc biệt của bản Giang Mỗ là những nếp nhà sàn sau bao nhiêu năm tháng vẫn giữ được vẹn nguyên nét mộc mạc, đượm một màu xam xám trầm mặc của cỏ gianh và gỗ.
Ruộng bậc thang, vườn rau, con trâu, chuồng lợn… như những họa tiết sống động tô điểm cho một nhịp sống tĩnh tại, an lành. Bên cạnh cảnh quan thơ mộng, cơ hội khám phá về đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bản địa như: thế nào là cái tời, cái khung cửi, cái ít bông, đường nét tinh tế trên các hoa văn dệt thổ cẩm, trang phục dân tộc Mường… cùng với sự chân tình của người dân là những nét thú vị khó quên của bản Giang Mỗ. Có lẽ vì những đặc trưng hấp dẫn này mà nhiều năm nay, làng du lịch Giang Mỗ (còn gọi là xóm Mỗ) được biết đến như một điểm nhấn văn hóa nổi bật của đất Mường Hòa Bình. Đây là một trong những bản làng dân tộc hiếm hoi được ngành du lịch tỉnh Hòa Bình xác định sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn thu hút du khách thập phương.
Theo ông Lê Quang Đạo- Phó giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt: Xét về tiêu chí một tour ngắn ngày, Hòa Bình là điểm đến khá lý tưởng, phù hợp. Hành trình Thung Nai- Giang Mỗ - Văn hóa Mường được khá nhiều công ty du lịch đưa vào khai thác và rất nhiều du khách yêu thích, bởi ở đó vừa có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, vừa bảo tồn được những nét văn hóa dân tộc truyền thống.