Lăng Can (Tuyên Quang) vùng quê đậm bản sắc văn hóa dân tộc
Từ bao đời nay, những đồi Tre Keo, đèo Khau Lắc và những đồi cọ Nà Gường, Pù Mô xanh mướt một màu bao bọc quanh những nếp nhà sàn làm nên một Lăng Can đẹp tựa như một bức tranh.
Nhà sàn truyền thống của người Tày ở Lăng Can có bố cục mặt bằng hình chữ nhật. Hai đầu hồi còn được mở rộng, kéo dài thêm làm sàn phơi, sàn rửa. Diện tích trung bình 150 - 200m2, chiều cao trung bình 7- 9 m tính từ nền lên đến nóc. Phổ biến là loại nhà kiểu 4 gian 2 chái có chiều dài khoảng 18 - 20m, rộng khoảng 8 - 10 m. Nhà có hai mái chính có độ dốc vừa phải, mái trước và mái sau bằng nhau hợp thành một hình tam giác cân. Phía hai đầu nhà còn có hai mái phụ để che mưa nắng cho phần hiên, cầu thang phía trước và phần sàn rửa, cầu thang phía sau. Hai mái phụ này không gặp nhau với mái chính ở bờ nóc mà được làm thấp hơn, ở phía dưới mái chính, những rui mè liên kết với nhau bằng cách buộc với một thân vầu, hay gỗ đặt cao hơn vị trí câu đầu của bộ vì nóc đầu tiên và cuối cùng một chút. Nhìn bên ngoài vẫn thấy đây là một ngôi nhà 4 mái cân xứng. Vật liệu lợp mái là lá cọ được người dân lấy ở những rừng cọ trong vùng. Do nguồn lá cọ tại địa phương sẵn có nên mái được lợp rất dày, bền chắc. Gầm sàn được sử dụng để chứa củi, đặt cối giã gạo, để quạt hòm, cối xay, cối giã, để cày bừa và các loại nông cụ, xe đạp, xe máy.
Kết cấu khung nhà sàn của người Tày ở Lăng Can tương đối thống nhất về tổng thể, phong phú về chi tiết ở phần kết cấu vì nóc. Hầu hết là loại vì kèo 4 hàng cột, gồm 2 kèo, 2 cột cái, 2 cột quân. Cũng có loại nhà theo kiểu 6 hàng cột, thêm 2 hàng cột hiên. Các cột được liên kết với nhau bằng câu đầu, thanh ngang, các bộ vì liên kết với nhau bằng thanh xuyên dọc. Kết cấu vì nóc đơn giản nhất chỉ gồm một thân cột đỡ chỏm kèo đứng chân lên một thanh ngang liên kết hai đầu cột cái. Các nhà sàn được làm từ nhiều loại gỗ khác nhau như đinh, táu, lim… Nếp nhà sàn luôn gắn bó cùng người dân Lăng Can, nó là địa chỉ, là nỗi nhớ nhung trong kí ức, là niềm tự hào của biết bao người đi xa quê lòng luôn nao nao nhớ về cội nguồn. Trong tiềm thức của những người dân nơi đây ai cũng quý trọng và giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc mình.
Đến Lăng Can vào mùa xuân này khi cây cối đang đâm chồi nảy lộc, ấy cũng là mùa mà các cô gái sắp đến tuổi dựng vợ gả chồng miệt mài bên khung cửi để dệt vải, dệt chăn bông… chuẩn bị về nhà chồng. Chị Nguyễn Thị Lựu là người phụ nữ đảm đang, khéo léo và có tài trong việc quay tơ dệt sợi ở thôn Nà Khà cho biết, người phụ nữ đảm đang phải là người biết quay sợi dệt thổ cẩm. Nhìn tấm thổ cẩm người ta có thể đánh giá được đức tính của người phụ nữ ấy. Hiện nay, dù nghề dệt thổ cẩm không còn phát triển mạnh như trước nữa nhưng ý thức duy trì nghề này vẫn ăn sâu trong tâm thức của mỗi người dân. Nếu đẩy mạnh đầu tư khôi phục và phát triển, thì nghề dệt thổ cẩm ở Lăng Can sẽ trở thành sản phẩm hàng hoá, là động lực thúc đẩy nghề này ở địa phương phát triển, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Lăng Can không chỉ có nhà sàn, thổ cẩm, mà nơi đây còn có đền Pủ Báo, thác Tát Trà và Vàng Dân quanh năm tung bọt trắng xoá.
Mới đây, trong lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập huyện mới Lâm Bình, Lăng Can được chọn làm trung tâm địa giới hành chính của huyện lỵ. Do đó, cùng với Thượng Lâm vốn nổi tiếng với 99 ngọn núi, Xuân Lập với điệu khèn Mông ngây ngất đắm say lòng người… Lăng Can sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách.