Hành trang lữ khách

Sơn Vi: Mùa lễ hội

Cập nhật: 22/04/2011 15:43:23
Số lần đọc: 2344
Sơn Vi tục gọi kẻ Vầy. Đền miếu làng Vầy thờ các danh thần danh tướng thời Hùng Vương. Lễ hội làng Vầy là dịp kỷ niệm các vị tướng thời cổ đại. Hội phết làng Vầy xưa nay vẫn nổi tiếng không chỉ thu hút dân quanh vùng hạ huyện Lâm Thao mà có cả người từ Tam Nông, Sơn Tây sang, Vĩnh Phúc lên, Yên Bái, Tuyên Quang về.

Những năm tròn, hội Đền Hùng do Nhà nước tổ chức, xã Sơn Vi lại mở hội chợ truyền thống cho ta được về với cảnh chợ quê xưa từ những cô thôn nữ mặc áo mớ ba mớ bảy thắt xà tích, bao xanh bao đỏ, váy thâm nhấn bùn, áo nâu non, yếm đỏ yếm xanh khăn chít mỏ quạ... chợ làng bán hàng của làng. Kia là hàng ủ ấm, xưa nổi tiếng bán đi cả nước. Rồi hàng mây tre đan: Giường, chõng tre, từ ống điếu cày, bó đũa, lờ, nắn, giỏ, chúm đánh tôm cua đến gọng bè, sào chũm... thứ gì cũng có bán. Lại hàng bún, bánh đúc, bánh hòn, bánh nẳng, chè lam, bánh uôi... người Sơn Vi xưa còn có nghề thợ ngõa, mộc, rèn và dệt vải. Từ sợi bông, tơ tằm rồi may gối, chăn mùng chất bán ở góc chợ làng. Hội chợ Sơn Vi lại có ông đồ ngồi “bán” chữ. Trẻ em mua tò he, mua sách và mua tranh... ngô, lúa, đậu, lạc, vừng, dưa bở, dưa gang, dưa chuột bày không xa hàng ốc, hến, tôm, cá, lươn, ếch... là hình ảnh sống động của các phiên chợ Vầy xưa được tái hiện nhiều phần ở hội chợ thời nay.

 

Theo truyền thuyết thì thời cổ đại Sơn Vi đã sản sinh ra vị tướng tài cho Hùng Duệ Vương đó là Trương Công Mộc Xanh nay được thờ ở đền miếu trong làng.

 

Tương truyền mẹ ông một lần qua rừng Cấm, nghỉ dưới bóng cây si đại thụ. Bà mơ màng thấy có con rắn vàng cuốn quanh người. Sau đấy bà về có thai sinh ra Trương Công Mộc Xanh. Bố mẹ Mộc Xanh mất sớm, ông phải ở với người bác ruột. Năm ông 13 tuổi thì vua Hùng Duệ Vương đi săn qua làng Vầy thấy ông khỏe mạnh, khôi ngô tuấn tú bèn đưa về kinh nuôi cho ăn học. Lớn lên ông đi đánh giặc lập công lớn được Vua Hùng phong thưởng.

 

Một lần ông đánh giặc Thục ở quê hương làng Vầy bị chúng vây hãm, được Tản Viên kéo quân về giải cứu. Giặc chạy tản mát khắp nơi. Đại quân của chúng chạy đến làng Mè thì bị tiêu diệt. Sau này về già Trương Công Mộc Xanh hóa ở làng Vầy. Một lần quân tướng Tản Viên đánh giặc qua làng Vầy được Trương Công Mộc Xanh âm phù và báo mộng cho biết phải đánh đuổi giặc Thục lên đến Mộc Châu Sơn La mới tiêu diệt được chúng. Sau chiến thắng trở về Sơn Tinh sức cho dân làng Vầy tôn tạo mở rộng đền miếu thờ Trương Công Mộc Xanh và phối thờ các tướng khác cùng thời.

 

Ngoài miếu rừng Cấm và đình làng là nơi thờ thần thành hoàng làng thì Sơn Vi còn có khu miếu Phường là nơi thờ vọng các vị Thành hoàng Lục Vương Lục vị đại thần mà Trương Công Mộc Xanh và các vị thần đều sinh hóa ở làng.

 

Xưa kia tại miếu Phường cứ ngày 7 tháng giêng hàng năm dân làng Sơn Vi lại có tục cầu hèm. Ngày lễ này mỗi giáp trong làng lại đem một mâm xôi phố và một con lợn sống ra để cầu cúng. Trước miếu về phía đông đóng một cái giàn dài. Trên giàn đặt 18 mâm xôi phố của 18 giáp. Dưới mâm xôi của giáp nào treo thúng thịt lợn sống của giáp ấy. Xôi phố là xôi được đóng trong khuôn, trong lồng vuông vức to như viên gạch xỉ thời nay.

 

Các giáp khiêng lợn sống đến miếu. Ông từ dùng búa đập vào đầu 18 con lợn xong các giáp khiêng lợn xuống giếng đun nước làm lông mổ lấy sỏ và thịt sống để trong thúng sạch đem lên cúng miếu. Khi ông chủ tế đứng cúng, có người đọc chúc, đàn anh trong làng đứng quanh miếu, ai đứng đâu vái đấy như là vái tứ phương. Tục này để tưởng niệm tích quân tướng Tản Viên ở rừng Cấm làng Vầy chưa kịp ăn uống thì tin báo có giặc. Cơm vừa nấu được nắm lại, lợn vừa mổ được đem thịt đi ăn sống no bụng để đánh giặc. Xôi đóng phố là tượng trưng cho cơm nắm. Cúng xong, các giáp đem lễ về nhà ông đăng cai của giáp mình làm cỗ, ăn uống.

 

Hội chính của làng Sơn Vi xưa được mở ra vào 3 ngày:  3, 4, 5 tháng giêng, cúng tế ở miếu rừng Cấm, đình làng xong thì rước từ đình ra cung quán để  mở hội vật cầu, đánh phết. Cung quán là ngôi nhà dựng tạm mỗi năm ở khu đồng Dưa, nhưng dưa đã hết vụ. Trước cung quán người ta đào cái hố tròn đứng đến ngực gọi là đào lò cầu. Làng có 3 quả cầu tròn bằng gỗ lim đường kính ba mươi phân tây. Ba quả cầu được để ở đình làng.

 

Nghi thức tổ chức vật cầu trong hai ngày mồng ba và bốn giống nhau. Tất cả trai đinh của làng cởi trần đóng khố tham gia vật cầu, trước đó họ phải kiêng nằm với vợ, kiêng ăn hành, mắm tôm, mắm tép. Mười tám giáp trong làng được chia ra hai phe, gọi là Nội thôn đấu với Ngoại thôn. Bên nào cướp được quả cầu về phe mình là thắng, được hưởng nhiều may mắn trong năm.

 

Đầu tiên ông chủ tế vác từ đình ra lò cầu quả cầu thứ nhất. Cùng đi có người reo hò hòa với kèn trống. Vác cầu ra đứng cạnh kiệu, trước nhà công quán, ông chủ tế có lời: “Thưa đàn anh đôi bên Nội, Ngoại, nhờ thần thánh năm nay tôi được làm chủ tế. Xin vật cầu để đàn anh hai bên cùng chơi. Trước hết tôi nhờ đàn anh reo cho một hồi. Tôi xin reo 3 tiếng trước “Huế hù hù! Huế hù hù! Huế hù hù” rồi vứt quả cầu xuống hố. Mọi người vừa reo to “Hú huề huề! Hú huề huề! Hú huề huề” rồi cùng lăn xả vào, xô đẩy nhau, yểm trợ cho người của phe mình cố đưa được quả cầu về đích trong khi đối phương lăn vào quyết cướp lấy quả cầu.

 

Tan một hiệp dứt tiếng trống, tiếng hò reo thì từ trong đình ông Tây xướng vác ra quả cầu thứ hai. Mọi nghi thức diễn ra như khi vật quả cầu thứ nhất. Vật xong quả cầu thứ hai, ông Đông xướng lại vác quả cầu thứ ba từ đình làng ra lò cầu. Nhưng ngày thứ 3 tức mồng 5 tháng giêng thì nghi thức vật cầu được đảo lại. Mở đầu là vật quả cầu của ông Tây xướng, sau đó đến vật quả cầu của ông Đông xướng. Gọi là quả cầu ăn chơi vì ông Đông xướng vác quả cầu này đi chơi các làng bên. Khi đi có tàn lọng che, cùng trống chiêng âm nhạc vang rền, dân làng và người xem nối dài như đám rước trình nghề tứ dân chi nghiệp. Ông Đông xướng vứt quả cầu xuống sông xuống hồ cho trai đinh nhảy xuống cướp. Tầm chiều người ta mới đưa đón quả cầu này về.

 

Quả cầu thứ 3 của hôm mồng 5 còn gọi là quả cầu phết. Hôm ấy 18 giáp cử 18 người cầm gậy ra để đánh phết. Đầu gậy tre để củ thành cái ngoắc gọi là gậy phết. Họ thi nhau ngoắc quả cầu phết lên khỏi lò phết. Đó  là lúc đã thấy có gió Tây Bắc thổi bay lá cờ đuôi nheo buộc trên ngọn cây gạo cổ thụ mọc giữa đồng Dưa. Cờ bay về phía núi Ba Vì, dân gian quan niệm trời đã nổi gió đưa Tản Viên về núi. Dân làng đánh quả phết thứ 3 này là để đưa tiễn thánh Tản Viên. Mười tám gậy phết cùng nhau ngoắc quả phết về cội cây gạo.

 

Những ngày làng Vầy mở hội, dọc đường làng hàng quán mọc lên san sát cho dân trẩy hội bán mua.

 

Sơn Vi là làng cổ. Ở đây cuối thời đồ đá cũ hơn vạn năm đã có những nhóm người nguyên thủy sinh sống. Họ sống trên đồi gò nền phù xa cổ trên thềm sông suối, ghè bổ cuội lấy cạnh sắc để chặt, băm, cắt, nạo. Họ chưa biết canh tác mà chỉ sống bằng săn bắt hái lượm tự nhiên. Làng Sơn Vi có nhiều di tích văn hóa đồ đá cũ điển hình là ở Gò Vườn Sậu, khai quật được hàng ngàn hiện vật rồi cùng với hàng trăm di tích khác ở Việt Bắc, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đủ khẳng định đây là một nền văn hóa khác với văn hóa Hòa Bình và trước văn hóa Hòa Bình.

 

Sơn Vi, Kẻ Vầy là làng cổ giàu có truyền thống văn hóa nên người dân ở đây luôn vươn lên phát triển để làng có diện mạo đẹp điển hình ở vùng đất Tổ.

 

Về trẩy hội làng Sơn Vi sẽ thấy quá khứ xa xưa ngàn vạn năm nối liền với hiện tại, làm tương lai như bừng sáng lên trước mắt.

Nguồn: Báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục