Tham quan cung điện dừa tại Philippines
Bắt đầu từ hành lang tiền sảnh, du khách vào thăm sẽ được hướng dẫn viên đưa đi vòng khắp nơi trong Cung điện theo thứ tự đã quy định.
Chiếc đèn chùm quả thật rất độc đáo! Nó được cấu tạo từ... 101 cái gáo dừa. Qua bàn tay tài hoa của kiến trúc sư, họa sĩ, gáo dừa đã biến thành các chao đèn mà mới thoạt nhìn chẳng ai biết nó được làm từ chính những gáo dừa hết sức bình thường.
Đây là tác phẩm của một nghệ nhân ở quận Ton-do thuộc Manila. Giữa phòng có một cái bàn lớn rất lạ mắt, bởi nó được tạo thành bởi... 9.000 mảnh gáo dừa cưa nhỏ và ghép lại. Thật là một con số ấn tượng đúng không?
Cảm giác đầu tiên của du khách khi đứng trong căn phòng này là sự khoan khoái, dễ chịu vì cảnh sắc dịu mát và đầm ấm của nó.
Kế gian đại sảnh là phòng khách riêng. Gian này tuy nhỏ hơn nhưng cũng đầy đủ những vật dụng bằng gỗ dừa và mây. Trên trần là một cái chụp đèn có hình dáng một tàu lá dừa uốn cong, giống dừa Capis lấy từ tỉnh Cesbu mang về. Giống dừa này có đặc tính rất dai, không giòn gãy.
Trên tường có một bức vẽ lớn, phong cảnh và màu sắc sinh động của Philippo Xabơllero. Sang đến phòng ăn là cả một sự cầu kì và ngoạn mục: sàn nhà lót bằng những miếng gỗ dừa đánh bóng như gương. Ở giữa phòng là một chiếc bàn ăn lớn, được làm ra từ... 47.000 miếng gáo dừa cắt nhỏ như hạt lúa mì. Con số còn ấn tượng hơn 9.000 mảnh mà du khách được biết đến ở trên.
Không những thế, các miếng gỗ li ti này được mấy chục ngàn học sinh ở tỉnh Laguna đảo Luzon mài gọt, chà bóng trong một dịp hè để gửi về đóng góp xây dựng cung điện. Họa sĩ Bacolod đã ghép tẩn mẩn từng miếng nhỏ nói trên thành những cánh hoa Sampaguita, mô phỏng theo kiểu hoa thêu trên vải Callado của miền Tarong Tagalog.
Từ phòng khách này có một cửa kính rất lớn, thông ra phía sau có một hồ bơi cực kì sang trọng. Cạnh hồ bơi có một nhà nguyện nhỏ với hình Chúa Hài đồng nằm trên một thân cây dừa. Đây là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Betis, tỉnh Bampanga.
Ở tầng trệt còn một gian phòng rộng nữa, đây là nơi ngày xưa tổ chức khiêu vũ, hội nghị trong cung điện với những đoàn khách nước ngoài. Ngày nay, nó trở thành nơi triển lãm mỹ thuật.
Trong đó thể hiện rõ nét tính chất tôn giáo tiêu biểu của đảo là Công giáo (chiếm đa số) và Hồi giáo (tập trung ở vùng đảo Mindanao). Ở đây nổi bật các tác phẩm hội họa tái hiện các nhân vật và phong tục của đất nước, chẳng hạn như “Thánh nữ đồng trinh và Con”, “Sự tiêu hóa của những phong tục Philippines”...
Bên cạnh là từng phòng tiêu biểu cho từng vùng trong nước. Ở gian phòng của tỉnh Zamboanga, du khách sẽ lại một lần nữa sững sờ trước vẻ đẹp ngoạn mục của những đồ dùng, đồ trang trí làm từ dừa.
Từ cái chụp đèn, vật lát vách tường, bàn ghế, sàn nhà đến từng thứ gạch phòng tắm lát bằng gáo dừa vô cùng lạ mắt. “gạch” này theo thời gian không những không cũ đi mà ngược lại còn lên bóng nước màu hổ phách đẹp tuyệt vời! Theo những nhà chuyên môn thì loại “gạch gáo dừa” này xài bền... hơn gạch men nhiều.
Đặc biệt, nếu du khách đi vào dịp cuối năm, lúc vụ mùa đã xong thì sẽ được tham gia khá nhiều lễ hội đặc trưng của nước này. Thêm vào đó, đây cũng là mùa giảm giá các mặt hàng mua sắm, giúp du khách tiết kiệm chi phí hơn.
Bạn nhớ nhé, Cung điện dừa ở Manila là địa điểm không thể bỏ qua khi đặt chân đến Philippines. Nơi đây không chỉ là thành quả sự sáng tạo vĩ đại của con người từ kiệt tác thiên nhiên mà còn là di sản văn hóa tinh thần lớn lao của đất nước. Sự tuyệt vời của nó sẽ ghi dấu trong bạn mỗi khi nghĩ về Philippines đấy!