Thưởng thức đặc sản làng Vũ Đại – Hà Nam
Làng Đại Hoàng (Hà Nam) được nhiều người biết đến như nguyên mẫu “làng Vũ Đại” vốn nổi tiếng qua tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” và “Sống mòn”.
Đâu đó, những cảnh tượng, con người từ trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao như hiền hiện trước mặt. Nhà “Bá Kiến”- ngôi nhà đã tồn tại hơn một thế kỷ qua đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam mua lại.
Nhưng hôm nay, mời bạn cũng về thăm làng Vũ Đại, không chỉ để thăm về ngôi làng xa xưa với rất nhiều cảm xúc mà còn để thưởng thức những sản vật ngon, bình dị của người dân nơi đây.
Hai bên đường những hàng chuối ngự xanh tốt với những chùm quả chín vàng như mời gọi. Những cô gái tuổi trăng tròn e ấp bên những khung cửi, những dải lụa trắng ngần mềm mại khẽ bay trong ánh nắng ban mai cùng cơn gió nhẹ thổi.
Vườn chuối xác xơ năm nào giờ được đặt lại giá trị đích thực của giống chuối tiến vua. Vỏ chuối mỏng và vị thơm rất lạ, ăn rồi vẫn thấy vị ngọt ở đầu lưỡi. Chuối ngự Đại Hoàng rất ngon, quả nhỏ xinh như quả cau, chín vàng như nghệ. Đây là giống chuối ngon nổi tiếng từng được dâng để vua thưởng lãm, do vậy còn gọi là chuối “tiến Vua”.
Nhiều du khách đến thăm làng Vũ Đại không chỉ để tưởng nhớ nhà văn Nam Cao và chứng kiến nhiều nguyên mẫu trong các tác phẩm của ông mà còn để thưởng thức món cá kho truyền thống - vốn là đặc sản của mảnh đất này.
Ở nơi đâu trên đất nước cũng đều có món cá kho nhưng cá kho làng Vũ Đại có vị thơm ngon khác lạ hơn cả, dù để mười ngày không cần tủ lạnh cá kho Vũ Đại vẫn dậy mùi thơm ngon. Muốn có nồi cá ngon phải qua rất nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo.
Niêu kho cá phải là niêu đất. Ngon nhất là dùng cá trắm đen, loại nặng tối thiểu 3 kg. Cá khi kho vẫn giữ nguyên vảy, bỏ đầu, đuôi, để thật ráo nước rồi mới cho vào niêu ướp gia vị. Ngoài các loại gia vị như riềng, gừng, nước cốt chanh, kẹo đắng, người ta còn cho thêm thịt ba chỉ, nước mắm cua và tuyệt đối kiêng nước lã.
Đặc biệt, cá chỉ được kho một lửa, liên tục 10 – 12 giờ, duy trì đều đến khi trong nồi còn khoảng một thìa nước thì bắc khỏi bếp. Vì gắn bó với niêu cá nhiều năm nên người dân ở đây chỉ cần ngửi hương vị cũng có thể biết cá mặn hay nhạt, nghe tiếng sôi trong niêu cũng biết lượng nước trong niêu còn hay ít.
Không hề sử dụng chất bảo quản nhưng cá kho có thể giữ 5 -10 ngày. Đó có thể là nhờ kỹ thuật kho và các gia vị đều là chất liệu tươi, tự nhiên. Nhờ những ưu điểm đó, đặc sản này không chỉ được bán ở Hà Nam mà còn vươn tới Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… thậm chí còn được xuất sang tận trời Âu.
Cũng nhờ vậy mà món ăn thấm đẫm hồn Việt này đã gợi cho những người con dù xa Tổ quốc tới nửa vòng trái đất vẫn dằng dặc nỗi nhớ quê hương, nhớ về cội nguồn của dân tộc.
Bên cạnh đó hồng không hạt Nhân Hậu (xưa là làng Vũ Đại ) có quả to, cân đối, màu đỏ sẫm khi chín. Quả hồng có da mỏng, mịn căng tròn, không có một vệt nhăn hay rám đen trên mặt quả, hình dáng quả rất hấp dẫn. Và đúng như tên gọi của nó, loại hồng này không hề có hạt.
Ngoài lớp “thịt” quả mềm còn có những nhân của hạt đã thoái hoá, trong như thạch phân bổ đều trong phần ruột quả. Khi ăn, chỉ cần bóc nhẹ lớp vỏ mỏng bên ngoài. Đưa vào miệng, lớp thịt quả mềm sẽ tan ra ngọt lịm để lại những “nhân” giòn như thạch làm cho người thưởng thức có được cảm giác khác lạ, mát lành mà không có một loại hồng nào có được.
Ngoài ra, ở làng Vũ Đại còn có món bánh đa được làm ra từ gạo trắng mỏng tang cũng nằm trong số những "đặc sản" mang dấu ấn làng Vũ Đại.