Non nước Việt Nam

Thăm Nhị Hồ, Thừa Thiên Huế

Cập nhật: 25/05/2011 16:14:39
Số lần đọc: 2902
Thác Nhị Hồ, thuộc thôn Hoà Mậu, xã Lộc Trì (Phú Lộc) là một thác nước đẹp của Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 45km về phía nam, cách Quốc lộ 1A gần 4km. Thác như một tuyệt tác của thiên nhiên với dòng thác đổ xuống từ vách núi réo rắc mà nhẹ nhàng tạo thành hai hồ nước xanh mát cạnh nhau.

Diện tích mỗi hồ khoảng 30x30m. Nằm giữa rừng núi hoang sơ và hầu như còn chưa bị khai phá bởi con người, nơi đây người ta có thể tìm thấy một không gian thiên nhiên bừng sống với tiếng thác đổ đêm ngày, tiếng chim hót hòa trong không gian xanh mát. Nhị Hồ thật sự là một bức tranh thủy mặc, vẽ cảnh thiên nhiên đất trời tuyệt đẹp.

Từ khá lâu, Nhị Hồ thu hút được nhiều du khách tới tham quan, thưởng ngoạn, đặc biệt là với giới trẻ. Du khách về với Nhị Hồ để tránh cái nóng của mùa hè, hòa mình vào thiên nhiên, xua tan những bộn bề của cuộc sống hiện đại. Về đây, ngoài được tắm mát, du khách còn có thể thưởng thức những sản vật của địa phương. Hơn thế nữa, với vị trí địa lí cực kì thuận lợi, có thể dễ dàng tạo với Đập Truồi - Suối Voi - Lăng Cô thành một tuyến du lịch cực kỳ hấp dẫn. Tuy nhiên, việc khai khác tiềm năng này qua nhiều năm không những chưa đem lại được nhiều hiệu quả mà còn làm cho Nhị Hồ đứng trước nguy cơ mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có.

Điều đầu tiên phải bàn đến đó là chính quyền địa phương vẫn không có nhiều sự quan tâm đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch ở đây. Ở bên ngoài Quốc lộ 1A, biển chỉ đường đi vào Nhị Hồ không biết bị dỡ xuống từ khi nào.Trước đây, tấm biển chỉ đường đó là hướng dẫn duy nhất cho du khách tìm đến với Nhị Hồ và cũng là “phương tiện quảng cáo” hiếm hoi mà Nhị Hồ có được. Đường tới thác đã xa, nay còn xa hơn đối với du khách. Từ Quốc lộ 1A muốn vào đến nơi phải đi khoảng 4km. Gần 3km đầu là đường bê tông, hơn 1km còn lại là đường đất và đây chính là thử thách cho những ai còn muốn khám phá Nhị Hồ. Con đường đất đỏ dài, quanh co, đầy sỏi đá, nhiều dốc nhỏ thật sự là một thách thức, chưa kể đến mặt đường nhiều đoạn bị cày xới, lồi lõm cực kỳ khó đi. Lái xe ô tô du lịch chắc chắn sẽ nản lòng khi nghĩ tới những rủi ro cho phương tiện của mình. Với xe máy thì có đỡ vất vả hơn nhưng cũng phải tốn nhiều công sức để vào được tận nơi. Được biết, trước đây đoạn đường này đã được địa phương cho tu sửa nhưng qua một thời gian, đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Người dân ở đây cho rằng, do là đường đất đỏ nhưng xe tải chở gỗ với trọng tải lớn thường xuyên qua lại nên con đường dần dần bị cày xới, xuống cấp. Sau khi vượt qua chặng đường “gian khổ”, du khách sẽ gặp một bãi đất trống khá rộng dành làm bãi giữ xe. Du khách được gửi xe miễn phí và mua vé từ người bảo vệ rồi tiếp tục đi bộ thêm chừng 300m nữa thì đến thác.

 

Về cơ sở vật chất, dịch vụ thì nơi đây hầu như chưa được đầu tư gì đáng kể. Ở các sườn núi là dãy hàng quán của cư dân địa phương dựng lên những lán trại để phục vụ cho du khách nghỉ ngơi và ăn uống. Nhưng không gian nhỏ hẹp, lán trại xập xệ theo thời gian và hầu như không hề thay đổi phát triển gì thêm nên việc đáp ứng nhu cầu của du khách là không thể. Ngoài các hàng quán trên thì hầu như không còn dịch vụ du lịch nào đúng nghĩa ở Nhị Hồ! Xét trên góc độ kinh tế thì cách làm trên ắt hẳn không thể mang lại nguồn thu lớn cho chính quyền địa phương hay người dân, tương xứng với tiềm năng vốn có của Nhị Hồ. Một điều đáng ngại khác là ở đây cũng không có một ai làm công tác cứu hộ khi xảy ra sự cố nên về đây, mọi người dường như “thân ai nấy lo”.

 

Trong khi khai thác chưa có hiệu quả thì Nhị Hồ đang phải đối mặt với nguy cơ bị hủy hoại. Không cần phải chú ý nhiều lắm cũng có thể thấy rằng Nhị Hồ đang dần dần biến thành một bãi rác tự phát. Xung quanh thác có khá nhiều các loại rác, phần lớn do du khách để lại. Không chỉ thế mà rác thải còn nằm trong lòng hai hồ nước, làn nước trong nên có thể nhìn thấy khá nhiều rác ở đáy hồ, phần lớn là các loại bao bì ni-lông trông rất nhếch nhác. Đặc biệt hồ nước phía dưới hầu như không ai tắm vì vệ sinh không còn đảm bảo.

 

Nhị Hồ vẫn đang chờ đợi bàn tay của con người, dĩ nhiên là với thái độ trân trọng, khai thác đi kèm với gìn giữ và phát triển.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT