Nhìn ra thế giới

Chiêm ngưỡng cung điện Istana Nurul Iman của hoàng gia Brunei

Cập nhật: 10/06/2011 11:00:47
Số lần đọc: 3657
Không nằm ở châu Âu (quê hương của những cung điện), hay tọa lạc trên những vùng đất bí ẩn ở châu Phi, Hoàng cung lớn nhất thế giới đang ngự tại vùng đất Đông Nam Á trù phú.

Đó là cung điện ít được biết đến của hoàng gia Brunei, đất nước giàu có bậc nhất trong khu vực. Cung điện có tên Istana Nurul Iman, theo tiếng Ả rập có nghĩa là: “Cung điện ánh sáng của các vị Thánh”. Đây chính là hoàng cung lớn nhất thế giới hiện nay (vượt xa Buckingham – Anh và Madrid – Tây Ban Nha).

Tọa lạc trên một ngọn đồi được phủ đầy bóng cây xanh trên hạ lưu sông Brunei, mặt tiền của cung điện hướng về phía Nam nơi có thủ đô Bandar Seri Begawan . Hoàng cung Istana Nurul Iman là nơi ở của quốc vương Hassanal Bolkiah và dòng dõi hoàng tộc của ông. Đồng thời cung điện cũng chính là chỗ ở và làm việc của chính phủ Brunei và văn phòng thủ tướng.

“Cung điện Ánh sáng của các vị Thánh” được thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh người Philippine: Leandro V.Locsin, xây dựng bởi công ty xây dựng quốc tế Ayala International. Được xây vào năm 1984, với tổng chi phí là 1,4 tỷ USD (tương đương với khoảng 29 nghìn tỷ VNĐ).

Hoàng cung theo kiến trúc Hồi giáo này có diện tích 200.000m2, với 1.788 phòng, 257 phòng tắm, 564 đèn treo nhiều ngọn, 51.000 ngọn đèn, 44 cầu thang bộ, 18 cầu thang máy, 5 hồ bơi đầy đủ tiện nghi. Máy lạnh được gắn khắp nơi trong cung điện, kể cả chuồng nuôi ngựa của nhà vua. Trong hoàng cung có nuôi 200 con ngựa, có 110 gara để đậu xe ở tầng hầm, nhà vua có bộ sưu tập hơn 500 chiếc xe hơi đắt tiền, đáng kể là 165 chiếc Roll – Royce hạng sang làm theo đơn đặt hàng.

Ngoài ra, trong cung điện còn có một nhà thờ với sức chứa 1.500 người, phòng khách chứa khoảng 4.000 người và phòng ăn rộng đến mức chứa hết 5.000 người. Tất cả các căn phòng, đặc biệt là phòng làm việc của Quốc vương đều được trang trí nội thất cao cấp, sang trọng với thiết kế tinh xảo, làm từ các loại kim loại quý như: vàng, bạc… Hơn thế nữa, phía trên cung điện là một mái vòm làm bằng vàng chói sáng khiến Istana Nurul Iman càng thêm phần lộng lẫy và nguy nga hơn.

Cung điện chính là biểu tượng cho quyền lực của nhà vua và sự giàu có của đất nước dầu mỏ Brunei. Người dân Brunei tự hào về hoàng cung như là một địa điểm linh thiêng và cao quý của những người Hồi giáo, nơi mà đức tin đã được gửi gắm tại quốc vương đáng kính của họ.

 

Bình thường cung điện không mở cửa tham quan. Tuy nhiên hàng năm sau tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, quốc vương sẽ cho mở cửa 3 ngày để mọi người vào nhận lời chúc từ vua và tham quan hoàng cung.
Nguồn: website afamily

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT