Tin tức - Sự kiện

Nhọc nhằn đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách

Cập nhật: 30/05/2018 09:57:17
Số lần đọc: 740
Đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách Thủ đô không còn là chuyện mới mẻ, nhưng qua rất nhiều năm chương trình này mới đạt được kết quả ban đầu. Vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo từ cách thức tổ chức, chất lượng phục vụ, hạ tầng cơ sở đến việc kết nối tour tuyến.


Khách nước ngoài thích thú thưởng thức các tiết mục rối nước 

Vắng khách trong các buổi diễn 

Hà Nội có nhiều di sản văn hóa phi vật thể với các giá trị độc đáo. Bên cạnh các loại hình tiêu biểu: Ca trù, rối nước, chèo, còn có các điệu múa cổ như đánh bồng, múa Giảo Long, cởi yếm mo hay hát chèo tàu, hát dô… Đưa nghệ thuật truyền thống đến với du khách được xem như lợi ích kép khi mà nghệ thuật truyền thống có thêm môi trường để phát huy giá trị, nghệ sỹ có thêm nguồn thu nhập, còn ngành du lịch có thêm sản phẩm thu hút khách. 

Trong khi Hà Nội còn thiếu các điểm vui chơi buổi tối, thì việc đưa khách đến xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống được coi là giải pháp tốt. Nhất là vào những tối trong tuần khi các khu phố đi bộ không hoạt động, các nhà hàng, quán bar tại phố cổ Hà Nội không được phép mở quá 24 giờ. 

Hàng loạt các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống được tổ chức để thu hút khách du lịch. Có thể kể tới các điểm biểu diễn rối nước như: Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Việt Nam, điểm biểu diễn rối nước tại Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long, phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh)…; biểu diễn ca trù tại đình Kim Ngân, đền Quán Đế (phố cổ Hà Nội); biểu diễn chèo kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống khác tại Nhà hát chèo Hà Nội, biểu diễn cải lương tại Nhà hát cải lương Hà Nội, biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội… 

Ngoại trừ Nhà hát múa rối Thăng Long đảm bảo 365 ngày trong năm đều “đỏ đèn” với 5 - 6 suất diễn mỗi ngày, mỗi suất diễn cơ bản kín chỗ, còn lại các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống khác đều vắng khách.

Câu lạc bộ ca trù Hà Nội vốn có bề dày truyền thống, quy tụ nhiều ca nương, kép đào đam mê với nghệ thuật này và được nhiều người biết đến danh tiếng. Trải qua những vất vả ngược xuôi để có điểm biểu diễn cơ bản ổn định ở đình Kim Ngân (phố cổ Hà Nội), Câu lạc bộ vẫn chật vật trong việc thu hút khách cho dù phố cổ Hà Nội được coi là trung tâm du lịch của Thủ đô, thu hút rất đông khách du lịch vui chơi, lưu trú buổi tối. 

Nghệ sĩ Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Hà Nội chia sẻ, buổi biểu diễn đông khách thì được gần 20 người, có những buổi chỉ 2 - 3 khách. Dù nhiều hay ít, các ca nương, kép đàn (khoảng 10 người) vẫn biểu diễn hết mình để giới thiệu các làn điệu ca trù đến với khách. Dù không tránh khỏi tâm tư nhưng nghệ sĩ Lê Thị Bạch Vân vẫn tâm niệm phải gìn giữ Câu lạc bộ, duy trì các đêm diễn ở đình Kim Ngân để phục vụ khách.

Tương tự như vậy, Nhà hát cải lương Hà Nội cũng có vị trí tốt tại phố Hàng Bạc (phố cổ Hà Nội) nhưng chương trình phục vụ khách du lịch của nhà hát cũng có lượng khán giả chưa đông. Với quy mô 250 ghế ngồi xem biểu diễn nhưng buổi nào đông cũng chỉ thu hút được 100 khách du lịch, thậm chí có buổi chỉ có 50 khách. 

Dù rất nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ và chất lượng vở diễn, đặc biệt nội dung được chuyển tải đến khách bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh nhưng việc thu hút khách vẫn còn nhiều khó khăn.

Nâng chất lượng vở diễn và chất lượng phục vụ 

Trò chuyện cùng nghệ sĩ Chu Lượng - Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, ở ông toát lên niềm lạc quan khi nói về hoạt động biểu diễn rối nước của nhà hát. Lạc quan không phải vì Nhà hát thừa hưởng truyền thống hoạt động lâu đời hay vị trí đắc địa có khả năng thu hút khách du lịch, mà vì chất lượng của các vở diễn luôn được coi trọng, dịch vụ đang hướng tới chuẩn 5 sao, con người được đào tạo chuyên nghiệp. Đó là yếu tố cốt lõi để tạo nên thương hiệu Nhà hát múa rối Thăng Long và là điểm dừng chân của rất nhiều khách du lịch đến thăm Thủ đô. 

Nghệ sĩ Chu Lượng chia sẻ: “Muốn thu hút được khách, không gì khác phải chăm lo khâu nghệ thuật biểu diễn của các mục kịch, trò rối nước, khả năng diễn xuất của diễn viên và các nhạc công. Đặc biệt, chúng tôi luôn coi trọng yếu tố con người, đón nhận các ý tưởng của các cán bộ, diễn viên trong đoàn, sử dụng con người theo đúng năng lực, sắp xếp đúng vị trí”. 

Ông cũng cho rằng, con người tốt nhưng khâu dịch vụ phục vụ khách không tốt là tự hạ thấp giá trị của mình. Bản thân nghệ sĩ Chu Lượng cùng những người trong Nhà hát đã đi tham quan cách thức phục vụ của các khách sạn cao cấp tại Hà Nội, mời cán bộ, nhân viên của khách sạn sang nhà hát giảng dạy, chỉnh huấn lại phong cách phục vụ ở tất cả các khâu. Nhà hát múa rối Thăng Long cũng hợp tác với trên 100 công ty lữ hành để đón khách đến xem rối nước. “Nếu chúng ta không nhìn xa trông rộng, không có cái nhìn đúng đắn thì tự chúng ta phải đóng cửa” - Nghệ sĩ Chu Lượng khẳng định.

Còn nghệ sĩ Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội cũng thừa nhận, muốn khai thác hiệu quả nghệ thuật truyền thống để phát triển du lịch cần có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, con người, quảng bá tốt các vở diễn. Hiện nay, việc khai thác giá trị nghệ thuật truyền thống vào phát triển du lịch nói chung còn manh mún, chưa được đầu tư bài bản. 

Ngành du lịch đang kết nối các doanh nghiệp lữ hành với các nhà hát để xây dựng tour tuyến đưa khách đến tham quan, thưởng thức nghệ thuật truyền thống; đồng thời phối hợp cùng các cơ quan liên quan hỗ trợ một số nhà hát xây dựng các vở diễn phù hợp với thị hiếu của du khách, hỗ trợ nâng cao chất lượng phục vụ nhằm phát huy tốt việc thu hút khách du lịch đến thưởng thức và trải nghiệm âm nhạc truyền thống./.

Nguồn: Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT