Tin tức - Sự kiện

Làng nghề Tây Ninh thu hút khách tham quan du lịch

Cập nhật: 04/07/2011 15:11:41
Số lần đọc: 4174
Hiện nay ở khu vực nông thôn của Tây Ninh đang có đến 30 loại ngành nghề sản xuất đang hoạt động, những ngành nghề này thuộc 12 nhóm ngành nghề truyền thống như làm bánh tráng, làm muối ớt, chế biến sản phẩm mây tre, làm hương, mộc gia dụng, nón lá, rèn, may, sản xuất gạch, cơ khí, chế biến khoai mì và chế biến nông- lâm- thuỷ sản.

Trong đó có nhiều làng nghề đã hình thành từ hàng trăm năm. Đó là 80 cơ sở nghề rèn ở xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng thu hút gần 200 lao động làm việc. Tiếp đến là nghề mây tre đan với hơn 720 hộ tham gia sản xuất các loại sản phẩm từ mây tre thu hút số lao động lên đến hơn 2.600 người, tập trung nhiều nhất là ở huyện Hoà Thành với hơn 480 hộ gồm hơn 1.700 lao động. Kế đến là huyện Trảng Bàng với tổng số hơn 150 hộ giúp cho 730 lao động có việc làm. Ngoài ra, còn có một số làng nghề truyền thống khác như làng nghề chằm nón, làng nghề làm hương, làng nghề làm bánh tráng, làng nghề làm đồ gỗ…

 

Từ năm 2009, Tây Ninh đã có quy hoạch phát triển làng nghề và giao cho các ngành chức năng triển khai thực hiện. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, các làng nghề ở nông thôn ở địa phương này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 5.600 hộ gia đình và thu hút gần 16.000 lao động nông thôn, giá trị sản xuất hằng năm đạt trên 350 tỷ đồng. Hoạt động các làng nghề chẳng những góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Cùng với đó là lượng du khách đến Tây Ninh tham quan ngày một tăng. Khách du lịch đã chú ý đến các sản phẩm truyền thống của làng nghề và sản phẩm làng nghề ngày càng tiêu thụ được nhiều.


Tây Ninh cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các làng nghề truyền thống để tạo sức hút du khách đến với các làng nghề ngày một nhiều. Theo đó, tỉnh chọn ra một số làng nghề điển hình và mang tính đặc thù của Tây Ninh, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hoàn chỉnh quy trình chế tác nhằm thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Mỗi làng nghề xây dựng điểm trưng bày sản phẩm và có người hướng dẫn chuyên nghiệp để giới thiệu cho du khách. Với sự liên kết giữa du lịch và làng nghề truyền thống sẽ thúc đẩy cho làng nghề truyền thống và du lịch của Tây Ninh có bước phát triển đột phá./.

Nguồn: Website ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT