Bánh hỏi - đặc sản miền đất võ (Bình Định)
Bột nhồi sao cho dẻo quánh, kết chặt, không dính trên tay là được, rồi cho vào khuôn ép. Một người ép chiếc đòn bẩy phía trên, một người hứng bánh phía dưới, vắt thành từng thếp bánh nhỏ xinh hình chữ nhật rồi cho vào lò hấp lại một lần nữa trước khi mang ra bán cho các hàng quán. Có thể nói, làm bánh hỏi cần có những công đoạn khá tỉ mỉ và bàn tay khéo léo của người thợ. Bánh hỏi khi “ra lò” là những thếp bánh nhỏ xinh, sợi bánh mảnh mai, trong suốt, rất thanh tao và rất “duyên”.
Ăn bánh hỏi phải có bạn đi kèm là lá hẹ. Vì thế người dân đất võ mới có những câu thơ: “…Bánh xèo bánh đúc có hành hoa; Bánh hỏi thiếu hẹ như ma không kèn...’’. Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho lá hẹ xắt nhỏ vào. Từng thếp bánh hỏi nhỏ xinh được xếp lên đĩa, thêm một vài lát chả lên trên. Phết dầu phộng với lá hẹ lên trên những thếp bánh hỏi trắng ngần, thêm một ít đậu phộng rang.
Lúc này nhìn đĩa bánh hỏi thật mỡ màng, thật ngon mắt. Nhưng muốn ăn bánh hỏi thì cần phải có nước chấm phù hợp. Nước tương xì dầu chanh, tỏi, ớt dùng để chấm bánh hỏi là ngon nhất. Một bữa điểm tâm nhẹ nhàng và ngon miệng với món bánh hỏi thơm ngon để khởi đầu một ngày mới năng động thật là một sự lựa chọn tuyệt vời khi đến với đất Quy Nhơn.
Ngoài ra mọi người còn ăn bánh hỏi kèm với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng mỏng và một số loại rau thơm cũng rất ngon và lạ miệng. Nhưng dù thưởng thức theo kiểu nào đi nữa thì món bánh hỏi vẫn vẹn nguyên những hương vị thơm ngon, thanh tao và mềm mại vốn có. Chẳng thế mà những người con Bình Định xa quê cùng bao thế hệ học sinh, sinh viên khi xa phố biển Quy Nhơn rồi vẫn nhớ hoài những hương vị thơm ngon của món bánh hỏi đặc sản nơi này.