Tục cưới của người Vân Kiều
Khi bông hoa rừng vừa hé nụ đón mưa xuân, tiếng chim lảnh lót gọi bạn cũng là lúc trai gái người Vân kiều rạo rực chờ mùa trăng lên. Thời điểm này, bản làng như bước vào ngày hội. Sơn nữ gắn bó chiếc khung cửi suốt ngày đêm để dệt tấm thổ cẩm tinh xảo nhất. Tiếng chiếc sáo Khui, kèn Aman... cũng ngọt dần trên môi các chàng trai. Hội sim bắt đầu khi ánh trăng bàng bạc phủ khắp núi rừng. Trong khung cảnh ấy, nam thanh, nữ tú cùng nhau tụ tập ở nhà Xu.
Đêm tình yêu có điệu Oát, Xiêng, Tăng Y... hòa cùng tiếng kèn sáo. Chàng trai hồn nhiên bày tỏ: “Thương em đến nỗi sầu/ Nhớ em đến nỗi ốm/ Ước gì gan mật mình thuộc về nhau”. Cô gái nở nụ cười e ấp, đối lại: “Em ở chòi bên này thao thức chờ anh/ Muốn thổi kèn Aman nhưng lại thiếu một người/ Kèn Aman không thổi một mình/ Em biết thương ai bây giờ ngoài anh”... Hội sim cứ thế trải dài với lời hát đối đáp, câu chuyện bên ché rượu cần, nụ cười, cái liếc mắt tình tứ...
Hội sim có thể xem là điểm khởi đầu của tình yêu nam nữ ở miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị. Sau đêm hội chất ngất men say, các chàng trai, cô gái dần bỏ qua sự ngại ngùng để tìm hiểu nhau. Khi tình yêu đến độ chín muồi, họ sẽ xin hai gia đình được kết tóc ăn thề. Theo truyền thống, đôi bạn trẻ phải bước qua không ít rào cản. Đặc biệt, một đám cưới đầy đủ nghi lễ truyền thống sẽ được tổ chức đến 3 lần, có thể kéo dài từ năm này sang năm khác tùy vào điều kiện hai gia đình.
Để chuẩn bị đón nàng dâu mới, gia đình nhà nam trước đó đã có một cuộc họp với đầy đủ các thành viên uy tín trong dòng tộc, bản làng. Tại đây, chủ đề chính là bàn về việc tổ chức đám cưới, phân công người đi đón dâu, kiểm tra lại số lượng sính lễ đã thỏa thuận...
Ngay hôm sau, già làng, trưởng bản sẽ cử người cùng chú rể đến thăm nhà gái. Số lượng người trong đoàn nhất quyết phải là số lẻ và bố mẹ chú rể không được phép có mặt. Lễ vật mang theo là một nồi đồng, 5 vòng hạt, vài chuỗi tiền xu, bạc trắng và một cây kiếm. Nồi đồng, vòng hạt, tiền xu và bạc trắng là món quà chàng trai dành tặng mẹ vợ để bày tỏ sự hiếu thuận. Cây kiếm là lời khẳng định ngầm với người cha rằngchàng rể sẽ hăng say lao động, luôn ở bên cạnh để bảo vệ vợ.
Khi nghe tin nhà nam đến, nhà nữ sẽ cử người tiếp đón. Đoàn rước dâu không được mời vào nhà ngay mà phải ngồi ở chiếc chiếu trải trước hiên và cùng tham gia hát điệu Oát, Xiêng, Tăng y... Sau đó, đại diện hai gia đình mới bàn sang chuyện sính lễ. Phía nhà nữ đề nghị con rể biếu thêm quà cho bố mẹ, ông cậu, em... của cô dâu thông thường là tiền giấy, tiền lẻ hoặc bạc trắng được bỏ vào những đôi bát.
Nếu gia đình cô gái chưa chấp nhận quà biếu, người làm mối sẽ mời già làng, trưởng bản phía nhà nữ sang nhà nam để tiếp tục thống nhất, phần nghi lễ tiếp theo do nhà nữ thực hiện. Gia đình cô gái làm một con gà, một con lợn biếu đoàn rước dâu và mời đoàn rước vào nhà. Đại diện hai họ đến trước bàn thờ, báo cáo với tổ tiên về việc con gái lớn có người đến dạm hỏi. Nghi lễ xong xuôi, nhà nam sẽ đưa cô gái về bản.
Khi đến nhà chồng, cô dâu bước vào cửa chính, đến gần phiến đá được đặt sẵn, mẹ chồng cầm gáo nước dội nhẹ vào chân con. Đây là nghi lễ hết sức quan trọng với ý nghĩa xóa đi những khó khăn, cầu chúc đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều may mắn, sống hạnh phúc trọn đời. Sau đó, hai gia đình sẽ vào nhà để làm lễ Khơi Cu Da (kết nối thông gia).
Nghi lễ xong xuôi, nhà nam chọn những con trâu, con bò lớn nhất giao cho nhà nữ để làm tiệc cưới. Buổi tiệc diễn ra trong tiếng cồng chiêng, mọi người uống rượu cần, múa hát suốt ngày. Tối hôm đó, hai gia đình tiếp tục bàn về chuyện sính lễ (nếu lúc trước không thống nhất). Thông thường, nhà nam biếu nhà nữ thêm tiền bạc, trâu bò và ông cậu phải có món quà xứng đáng nhất. Sau khi mọi việc được thu xếp ổn thỏa, mọi người tiếp tục hát đối đáp, chọc ghẹo nhau...
Ngày hôm sau, những người uy tín gọi đôi vợ chồng trẻ đến căn dặn phải sống có đạo lý, không được làm trái quy định của bản làng. Đặc biệt, cô gái được nhắc nhủ nhiều điều như cần yêu thương chồng con, hiếu thảo với cha mẹ, không được qua lại với người khác... Cũng trong ngày này, cô dâu mới theo chân mẹ chồng hoặc chị mang A nua ra suối xúc cá. Sự hiếu thảo, đảm đang của cô được đánh giá qua số cá xúc được để biếu cha mẹ chồng.
Lần cưới thứ hai thường được tổ chức cách lần đầu khoảng 1 đến 2 tháng. Tuy vậy, thời điểm này không ấn định mà lại linh động cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Lần này, gia đình cô gái sẽ mời nhà nam sang chơi. Đây là dịp để bố mẹ chồng có cơ hội đến thăm nhà thông gia. Khi nhà nam đến, nhà nữ sẽ làm một con bò hoặc một con lợn để thiết đãi. Khi đôi vợ chồng sinh sống với nhau khá lâu, nhà nữ chủ động sang nhà nam để bàn về chuyện cưới lần 3. Tùy thời điểm và điều kiện thực tế mà gia đình nhà nam đồng ý hoặc khất lại.
Ở lần cưới này, nhà nam phải đưa lễ vật sang nhà nữ gồm một con trâu, một con bò, một con lợn; ngoài ra còn có rượu, bánh, thổ cẩm, cồng chiêng, đồ đồng... Lần này, đám cưới sẽ được tổ chức trang trọng ở nhà nữ để hàng xóm, họ hàng của cô dâu đến chung vui. Trong đám cưới, nhà nữ tiếp tục xin thêm lễ vật cho họ hàng hoặc yêu cầu nhà nam bổ sung thêm số lễ vật mà lần cưới thứ nhất còn thiếu. Đây cũng là điểm mốc đánh dấu việc chàng trai đã đưa cô gái về "dinh" thành công.