Tin tức - Sự kiện

Hội nghị công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ chính phủ 2007 - 2011

Cập nhật: 16/08/2011 10:43:13
Số lần đọc: 1721
Ngày 10/8, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ chính phủ 2007-2011 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

Được thành lập theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực từ năm 2007, Bộ VHTTDL và hệ thống cơ quan quản lý của Ngành ở địa phương đã có nhiều hoạt động đổi mới.

 Trong 5 năm qua, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các hội văn học – nghệ thuật, các liên đoàn, hiệp hội thể thao, du lịch các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và hoạt động du lịch được duy trì thường xuyên và tăng cường hơn trước.

Giai đoạn 2007-2011, công tác xây dựng và ban hành văn bản quản lý nhà nước của Bộ  VHTTDL đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện một bước hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý các lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Việc theo dõi, đánh giá tình hình thực thi pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch cũng đã kịp thời phát hiện, đề xuất với Đảng, Chính phủ đổi mới và ban hành nhiều chính sách phát triển ngành phù hợp với thực tiễn.

Phát huy được lợi thế của Bộ đa ngành, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đã diễn ra sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của báo chí và nhân dân. Các ngành đều có sự phát triển tương trợ lẫn nhau, thể hiện tính liên kết trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Trong thời gian qua Việt Nam đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nâng tổng số các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được công nhận ở nước ta lên 12. Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh ngày càng phong phú, đa dạng. Đầu tư ngân sách nhà nước cho lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao tiếp tục được gia tăng, thể thao thành tích cao có sự tiến bộ rõ nét. Hoạt động du lịch phát triển mạnh với lượng khách quốc tế và nội địa tăng cao, trong năm 2010 du lịch Việt Nam đón vị khách quốc tế thứ 5 triệu, các quy hoạch du lịch vùng và tổng thể đang được triển khai và trình Thủ tướng phê duyệt…

 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động VHTTDL cũng gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định như ngân sách đầu tư cho các lĩnh vực này nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với một số hoạt động chưa cao; tình trạng vi phạm di tích, danh lam thắng cảnh vẫn xảy ra tại một số địa  phương; bạo lực trong gia đình chưa giảm; thể thao thành tích cao chưa có đột phá mạnh ở đấu trường châu lục và thế giới; nguồn nhân lực du lịch còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng, loại hình sản phẩm du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo theo phương hướng, mục tiêu đã được xác định “Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”; “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội”.

Đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao về cả quy mô và chất lượng. Phát triển mạnh thể thao quần chúng, thể thao nghiệp dư, trước hết là trong thanh niên, thiếu niên. Mở rộng quá trình chuyên nghiệp hóa thể thao thành tích cao.

Phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực. Xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất, hình thành các khu du lịch trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các nước./.

                                                                                        Mỹ Hạnh

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT