Thơm mùi cốm dẹp Khơ-me
Không phải loại lúa nào cũng có thể dùng để làm cốm dẹp. Người ta chọn loại hạt lúa nếp hạt dài, dẻo, thơm, vừa đỏ đuôi. Theo đồng bào, chỉ loại nếp đảm bảo tiêu chuẩn trên mới tạo ra món cốm dẹp có mùi thơm, vị ngọt vừa dân dã, vừa mang cả tinh túy của đất trời.
Những hạt nếp mới bắt đầu chín được gặt về, phơi khô rồi bỏ vỏ. Nếp cần ngâm trong vòng 24 giờ cho nở. Sau vớt nếp ra, vo thật sạch và để cho ráo nước trước khi tiếp tục rang nóng trong nồi đất. Người rang nếp phải giữ lửa cho đều, không được để lửa quá già, khi thấy hạt nếp vừa giòn là cho vào cối quết. Công đoạn quết quyết định độ dẻo ngon của cốm. Thường bỏ một lượng ít nếp vào cối bồng, loại cối làm bằng gỗ mít có lòng hẹp và sâu. Một người cầm chiếc chày lớn quết mạnh. Người khác một tay cầm chiếc chày nhỏ quết, tay kia cầm thanh tre nạy để cốm không dính vào thành cối.
Cốm mới quết ăn liền rất giòn và dẻo. Cách điệu hơn người Khơ- me còn phối hợp cốm với dừa nạo và đường cát trắng vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng nhưng màu sắc trông bắt mắt và hương vị sẽ thơm ngon hơn.
Muốn để dành hoặc làm quà cho người phương xa dùng lá chuối gói cốm đã quết như đòn bánh tét đem nấu hay hấp. Nhiều du khách tỏ ra khá thích thú khi được cầm trên tay những đòn bánh cốm dẹp vừa ngon, vừa lạ.
Trước đây, cốm dẹp chỉ xuất hiện trong dịp lễ cúng cổ truyền. Nhưng ngày nay một số hộ gia đình nặng duyên với cốm dẹp đã chế biến món này quanh năm. Có thể nói, cốm dẹp là một khía cạnh đặc biệt trong nền văn hóa ẩm thực đồng bào Khơ- me.