Hành trang lữ khách

Khám phá ‘Định Bắc Trường Thành’

Cập nhật: 07/09/2011 15:15:17
Số lần đọc: 2811
Luỹ Thày còn có nhiều tên gọi khác như luỹ Nhật Lệ hay luỹ Đồng Hới, Trường Dục... thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Vua Thiệu Trị sau này từng gọi hệ thống lũy là nơi Định Bắc trường thành để nhớ ơn tổ tiên đã giữ vững cõi Nam.

Lũy Thày là cái tên do người dân Đàng Trong đặt để tỏ lòng thành kính với danh nhân Đào Duy Từ như bậc thầy về quân sự và chính trị. Công trình này được bắt đầu khởi công nằm 1630 sau khi giành thắng lợi tại trận chiến với quân Trịnh trên bờ sông Nhật Lệ, năm 1627. Công trình nhằm bảo vệ và củng cố Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.


Tiếp đó, năm 1631, chúa Nguyễn tiếp tục cử Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật xây thêm lũy Đầu Mâu và lũy Nhật Lệ (cả 2 lũy này gọi chung là lũy Trấn Ninh). Đến năm 1634, chúa Nguyễn lại cho đắp tiếp lũy Trường Sa dài 7km khép lại vùng động cát Bảo Ninh.


Như vậy, trong vòng hơn 3 năm, chúa Nguyễn đã hoàn thiện 1 hệ thống chiến lũy dài gần 34 km. Đay là một hệ thống thành lũy liên hoàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều tuyến và được gọi chung là lũy Thày.


Đại Nam thực lục tiền biên có ghi: Lũy Trường Dục xây theo kiểu chữ Hồi, cho nên còn được gọi là Lũy Hồi Văn. Theo đó, ngoài có khung thành bao bọc, trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho tàng bố trí theo lối chữ Dĩ liên hoàn chặt chẽ với lũy ngoài. Lũy dài 2.500 trượng, chân rộng trượng rưỡi, cao 1 trượng (khoảng 4m). Lũy Trường Dục là một công trình kiến trúc thể hiện tài năng quân sự của Đào Duy Từ.


Năm 1648, sau khi đánh không được cửa lũy Trường Dục, quân Trịnh quay sang đánh vào vùng Võ Xá và thu được thắng lợi. Song, khi chiếm được chỗ đứng chân thì lại bị quân Lưu Đôn chặn đánh ở Thập Dinh (nay vẫn còn xã Dinh Mười, huyện Quảng Ninh) đẩy xuống vùng đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lý từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Quân Trịnh bị sa lầy tại đây. Và trong thế trận tiến thoái lưỡng nan do không có được sự hỗ trợ từ đường thủy, sau đó buộc phải rút quân ra Bắc. Chính vì sự kiện này mà đến nay, dân gian truyền tục câu ca: “Nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ đầm lầy Võ Xá”.


Hai trăm năm sau, khi vua Thiệu Trị hành hương qua hệ thống luỹ Thày xúc động trước hệ thống thành luỹ hùng vĩ này đã đặt thêm cho nó cái tên "Định Bắc trường thành" để nhớ ơn tổ tiên đã giữ vững cõi Nam.


Trải qua thời gian và bom đạn chiến tranh, lũy Thày gần như hư hại hoàn toàn. Đến năm 1994, lũy được phục hồi lại nguyên trạng và được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia. Lũy Thày ngày nay còn dấu tích rõ nét ở đường Quách Xuân Kỳ và phía Tây phường Phú Hải, thuộc địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và trở thành dấu tích trăm năm nhắc nhở các thế hệ về một thời nhà Trịnh -Nguyễn phân tranh trong lịch sử Việt Nam.

Nguồn: Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục