Sầm Sơn (Thanh Hóa) - điểm du lịch giàu tiềm năng
Sầm Sơn có thể khai thác và phát triển nhiều loại hình du lịch với thế cạnh tranh cao như: Tắm biển, tham quan, leo núi, nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thể thao và lễ hội... Bởi ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn phú cho Sầm Sơn nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và lung linh sắc màu huyền thoại. Hiện nay, Sầm Sơn có 17 di tích có giá trị du lịch rất cao, được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh như các đền: Độc Cước, Cô Tiên, Tô Hiến Thành, Bà Lĩnh, Bà Triều... mỗi di tích đều gắn với một truyền thuyết, một sự tích hấp dẫn, độc đáo. Ngay sát bờ biển Sầm Sơn, leo lên núi cao là đền Độc Cước, nơi thờ vị thần Độc Cước - một anh hùng thần thoại đã tự xẻ thân mình làm hai, một trên bờ bảo vệ dân lành, một xuống nước diệt trừ thủy quái. Vì thế, người dân cả nước, ngư dân trên biển đến đền Độc Cước đều cầu xin sự bình yên trên biển.
Ngoài địa điểm hấp dẫn là đền Độc Cước, du khách còn có thể du lịch leo núi vượt qua rừng thông, đến chiêm ngưỡng hòn Trống Mái – một cảnh quan kỳ thú với hai khối đá lớn hình đôi chim hướng vào nhau như được sinh ra từ mối tình thủy chung của đôi vợ chồng trẻ. Từ hòn Trống Mái leo lên núi cao vãn cảnh đền Cô Tiên - nơi thờ vọng thần Độc Cước và mẫu Liễu Hạnh với kiến trúc được xây dựng từ cuối đời nhà Lê.
Lễ hôi Sầm Sơn mang đặc trưng văn hóa dân cư ven biển, với những lễ hội không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn nổi tiếng trên phạm vi cả nước và đều có giá trị du lịch rất cao như lễ hội Độc Cước, lễ hội đền Cô Tiên, lễ hội Bánh chưng bánh dày, lễ hội Cầu ngư. Ngoài các lễ hội mang tính lịch sử, truyền thuyết, Sầm Sơn còn có lễ hội mang tín ngưỡng tưởng niệm các ông tổ nghề đánh cá, dệt săm xúc... Ngoài ra, Sầm Sơn còn có các làng nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu như làng nghề dệt săm xúc, nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, cây cọ, cây nứa, sản xuất hàng lưu niệm từ vỏ sò, ốc biển...
Phát huy thế mạnh sẵn có, chính quyền và nhân dân thị xã Sầm Sơn đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, nhiều năm trở lại đây, được sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân địa phương, thị xã du lịch Sầm Sơn không ngừng chỉnh trang đô thị, tôn tạo một số di tích danh thắng lịch sử văn hóa, phát triển kết cấu hạ tầng khách sạn, giao thông, khu vui chơi giải trí... Hiện nay, Sầm Sơn có 330 khách sạn, cơ sở lưu trú với 8.000 phòng nghỉ, trong đó số phòng 3 sao trở lên là 222 phòng. Hầu hết các khách sạn được đầu tư khang trang với những trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Hệ thống giao thông được cải tạo, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường cũ, mở mang thêm một số đường mới trong khu du lịch và các vùng phụ cận như Đại lộ Nam Sông Mã, Quốc lộ 47, đường từ Ngã Ba Voi đi Sầm Sơn... Các khu vui chơi giải trí, huyền thoại Thần Độc Cước, khu vạn Chài Resort, khu nghĩ dưỡng... được xây dựng và phát triển, làm phong phú thêm các dịch vụ bổ trợ và kéo dài thời gian lưu trú của khách. Vì vậy, số lượng du khách đến với Sầm Sơn ngày một tăng. Nếu như năm 2009 Sầm Sơn đón 1.509.000 lượt khách thì năm 2010 tăng lên 1.804.000 lượt khách. Năm 2011, Sầm Sơn phấn đấu đón hơn 2 triệu lượt khách.
Bên cạnh đó, trong mùa du lịch năm nay, thị xã đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể, xiết chặt quản lý trong hoạt động du lịch. Yêu cầu tất cả các cơ sở kinh doanh, khách sạn, nhà nghỉ phải niêm yết công khai giá, hàng bán phải có hóa đơn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Các hoạt động kinh doanh như chụp ảnh, bán hàng rong, các hiện tượng ăn xin, ăn mày được quản lý chặt chẽ. Đồng thời, thị xã phối hợp với các trường dạy nghề du lịch chuyên nghiệp của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho nhân dân, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch về nghiệp vụ chuyên môn, về kỹ năng giao tiếp, phong cách ứng xử văn minh... Với một nền tảng được chuẩn bị chu đáo, du lịch Sầm Sơn sẽ ngày càng trở thành điểm đến của du khách gần xa.