Hội thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp Du lịch tàu biển Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế
Hội thảo đã nghe 19 tham luận trong nước và quốc tế tập trung chủ yếu vào những vấn đề chung về Công nghiệp Du lịch tàu biển, định hướng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở các địa phương Việt Nam.
Tại Hội thảo, Hiệp hội Du thuyền Châu Á (ACA) thông tin chung về hoạt động của hiệp hội, đề xuất ý tưởng về các cuộc hành trình du lịch biển đến cảng trung chuyển tại Việt Nam; những tác động về kinh tế và lợi ích khi các du thuyền đến Việt Nam; yêu cầu về cơ sở hạ tầng thiết yếu có thể đáp ứng được các chuyến du ngoạn của các du thuyền khi đến cảng trung chuyển ở Việt Nam...
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch tàu biển và lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng tàu biển ngày càng cao. Tuy nhiên, ngành Công nghiệp Du lịch tàu biển Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực như: Hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường còn yếu và thiếu.
Việt Nam có 39 cụm cảng biển được quy hoạch nhưng thực tế bến khách chuyên dùng cho tàu du lịch quốc tế rất ít. Hầu hết các cảng đón khách du lịch tàu biển đều sử dụng chung với tàu hàng hóa, tàu container.
Hội thảo là cơ hội để Thừa Thiên- Huế giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh về du lịch du thuyền đến các hãng du thuyền lớn trên thế giới; tăng cường khả năng hợp tác trong công nghiệp du lịch du thuyền quốc tế, nhất là xác định cơ hội hợp tác giữa các cảng biển của Việt Nam, các hãng du thuyền quốc tế, các hãng du lịch với Thừa Thiên- Huế; tạo điều kiện cho các hãng du lịch lữ hành trong tỉnh kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài hội thảo chính thức, Ban tổ chức còn bố trí đưa các đại biểu tham gia khảo sát thực tế, tham quan các địa điểm được xem là tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên- Huế trong phát triển Công nghiệp Du lịch tàu biển như: Cảng Chân Mây- Lăng Cô, khu du lịch Laguna và sân gofl 18 lỗ, khu du lịch nước khoáng nóng Mỹ An, chùa Thiên Mụ.../.