Thanh Hóa: Náo nức trẩy hội Lam Kinh 2011
Ðây là sự kiện nhằm giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tri ân công lao sự nghiệp vĩ đại của Anh hùng dân tộc Lê Lợi - Ðức Thái Tổ Cao Hoàng đế, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập dân tộc, sáng lập triều nhà Lê, mở ra một thời kỳ phát triển thịnh vượng của đất nước trong thời kỳ phong kiến tự chủ. Lễ hội Lam Kinh bắt đầu hình thành và được tổ chức từ sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại quê hương Lam Sơn. Ðể thuận lợi cho việc cáo yết tại lăng miếu, các triều vua đã cho dựng điện và các tòa Thái miếu để thờ cúng. Vì vậy Lam Sơn được gọi là Lam Kinh.
Trải qua năm tháng chiến tranh và thời gian, các công trình kiến trúc ở Lam Kinh dần đổ nát, hoang phế, sinh hoạt lễ hội cũng bị mai một. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích Lam Kinh, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các công trình như xây dựng nhà bia, lăng mộ, đường nội bộ, đền thờ Lê Thái Tổ, đền thờ Lê Lai, xây dựng cầu Bạch, nạo vét, kè sông Bạch, hồ Tây, giếng Ngọc, nhà trưng bày, các tòa miếu 4, 5, 6. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng tỉnh, chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành phục dựng lại lễ hội Lam Kinh. Từ năm 1995 đến nay, lễ hội đã được tổ chức thường xuyên hằng năm với quy mô hoành tráng và ngày càng có sức cuốn hút, lan tỏa tới nhiều vùng, miền, thu hút du khách ở trong nước và ngoài nước. Lễ hội tái hiện nhiều nghi thức tế lễ thời Lê như: màn trống hội có biểu diễn đánh trống đồng và trống da các loại, trình diễn cờ hội, rước kiệu cùng các nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông truyền lại. Phần hội sẽ là các chương trình nghệ thuật thể hiện các sự kiện lịch sử trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Hội thề Lũng Nhai, Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Ðông Quan, Vua Lê Thái Tổ đăng quang, Phát huy hào khí Lam Sơn... Trong thời gian lễ hội còn có những trò chơi, trò diễn truyền thống của xứ Thanh như: trò Xuân Phả, trò Chiêng, trò Sanh Ngô, dân ca Ðông Anh, dân ca sông Mã, thi đấu vật, đấu võ dân tộc; hội trại các làng văn hóa; trưng bày các hiện vật, cổ vật thời Lê; trưng bày giới thiệu tiềm năng du lịch và sản phẩm ẩm thực của địa phương và nhiều hoạt động nghệ thuật khác như chiếu phim, biểu diễn chèo, chương trình ca nhạc tân cổ giao duyên...