Nồng ấm rượu Táo Mèo, Lào Cai
Ở Sa Pa, cây táo mèo mọc hoang trên các dãy núi Hoàng Liên Sơn. Táo mèo cứ thế lớn lên trong rừng rồi đơm hoa kết trái, một món quà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào Mông cư ngụ trên đỉnh non ngàn. Sở dĩ Sơn tra có thêm cái tên táo mèo vì những nơi có thứ quả này là nơi người Mông sinh sống. Thế rồi sau này dân gian lại đặt thêm cho táo mèo cái tên bình dị nữa, “quả chua chát” hay “quả tình yêu” vì nó vừa ngọt vừa chua vừa chát, đầy đủ các vị đặc trưng trên đời.
Táo mèo ra hoa trắng vào cuối mùa xuân (tháng 3-4) và có quả vào mùa thu. Vì vậy, vào các tháng 8, 9, 10, tại chợ Sa Pa người ta thường bày bán táo mèo tươi. Ngoài ra, táo mèo còn được ngâm trong các bình thuỷ tinh to. Loại táo này cũng được ngâm như ngâm mận nhưng lượng đường ít hơn. Trước khi ngâm người ta phải gọt vỏ, bỏ qua vào nước cho đỡ chát rồi hong ra mẹt cho se mặt. Thường phải bổ đôi từng quả táo ra để bỏ những con sâu bên trong ruột. Lạ là giống táo này cứ phải có sâu mới ngon, quả nào không có sâu không phải là hảo hạng.
Quả táo mèo hình trứng, ăn có vị chua chát. Trong đông y, táo mèo còn được gọi là sơn tra, là một vị thuốc quý. Loại quả này có tác dụng hạ huyết áp nhờ làm giãn mạch ngoại vi. Nó cũng giúp hạ mỡ máu, giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp cơ tim. Ngoài ra, sơn tra còn có tác dụng ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, an thần, trấn tĩnh, góp phần lập lại cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tình trạng tăng huyết áp gây ra.