Kỳ bí hang động Fingal-Scotland
Huyền thoại Ireland giải thích rằng sự hình thành hang động Fingal cũng tương tự như Causeway khổng lồ ở Bắc Ailen. Những cột bazan gọn gàng được cho là tàn tích mảnh vỡ của một cây cầu, được người khổng lồ Fiom mac Cumhaill ở Ailen xây dựng lên làm nơi chiến đấu với gã khổng lồ Benandonner ở Scotland. Dĩ nhiên, theo các nhà địa chất thì hang Fingal được hình thành do dung nham nóng chảy kết hợp với hiện tượng xói mòn.
Hang động Fingal có một quá trình hình thành địa chất không giống bất kì hang động nào khác trên thế giới. Fingal được hình thành hoàn toàn từ những cột đá bazan lục giác tương tự như trong cấu trúc của Causeway khổng lồ ở Bắc Ireland. So sánh hai cấu trúc, người ta thấy chúng có một quá hình thành địa chất giống nhau đã xảy ra cách đây 60 triệu năm. Cả hai đều bắt nguồn từ dòng dung nham cổ đại nóng chảy, sau đó bề mặt của khối lượng dung nham khổng lồ được làm mát bởi nước biển nên khô và co lại rồi lại nứt ra thành từng khối dài và cao theo mô hình lục giác.
Chiều cao của chân cột khoáng chất bazan ở hang động Fingal lộ ra mà người ta đo được là 72 m, còn phần chôn dưới biển là 700 m. Hang động có một lối vào lớn hình vòng cung. Kích cỡ mái vòm cong tự nhiên trong như mái vòm của một nhà thờ. Thoạt nhìn thì người ta cứ tưởng hang động Fingal do chính bàn tay con người tạo ra.
Hang động Fingal đã gây sự chú ý cho du khách từ khi nhà tự nhiên học Joseph Bank khám phá vào năm 1772. Hang động tự nhiên này được đặt theo tên vị anh hùng Fingal trong tác phẩm sử thi của Scotland ở thế kỉ 18. Người ta còn gọi hang động Fingal với một cái tên khác nữa là “ Uamh-Binn ” có nghĩa là “ Hang động giai điệu ”, bởi âm thanh kì lạ phát ra trong hang giống như tiếng kinh cầu nguyện trong nhà thờ. Nhưng thực chất âm thanh này được sinh ra là do tiếng vang của những con sóng đập vào gềnh đá.
Hang động Fingal thu hút khá nhiều du khách viếng thăm, trong đó có những nghệ sĩ tên tuổi như tiểu thuyết gia Sir Walter Scott, người đã mô tả lại hang Fingal trong tác phẩm của mình là "một trong những nơi đặc biệt nhất mà tôi từng trông thấy, nó vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Hang động Fingal bao gồm toàn bộ các trụ cột bazan cao trông giống như mái nhà của nhà thờ nằm sâu vào đá…”.
Bên cạnh đó còn có nhà soạn nhạc lãng mạn Felix Mendelssohn đã đến thăm hang động vào năm 1829 và viết tác phẩm Die Hebriden có nghĩa là “ Khúc dạo hang Fingal ” lấy cảm hứng từ những âm vang kỳ lạ trong hang. Ngoài ra còn có nghệ sĩ Matthew Barney sử dụng hang động Fingal kết hợp Causeway khổng lồ ở Bắc Ailen làm bối cảnh cho bộ phim Cremaster 3. Trong năm 2008, nhà quay phim Richard Ashrowan đã dành vài ngày để ghi hình lại nội thất của hang Fingal cho một cuộc triễn lãm tại thư viện Foksal ở Ba Lan.
Hang động Fingal có một sức hút kì diệu, chính vì vậy mà ngày càng nhiều công ty du lịch biển đảo, tham quan hang động được mở ra hằng năm. Mùa du lịch cao điểm là từ tháng 4 đến tháng 9.
Để truy cập hang động, du khách phải đến hòn đảo Staffa. Tàu thuyền du lịch lớn chỉ dừng tại hòn đảo này, không thể trực tiếp vào hang Fingal. Cho nên du khách được tự do đi dạo trên đảo và khám phá hang động bằng đôi chân của mình./