Hội thảo 'Du lịch có trách nhiệm và Chứng chỉ cho Du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam'

Trong lời phát biểu, Phó Tổng cục trưởng cho biết, những năm qua, du lịch Việt Nam đã có sự phát triển đáng ghi nhận, từng bước khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song, giai đoạn 2001 – 2010 vừa qua, mục tiêu phát triển du lịch bền vững đạt kết quả còn khiêm tốn chưa như mong muốn, trong đó có nguyên nhân là sự quan tâm đối với việc bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị thiên nhiên, văn hóa bản địa và lợi ích cộng đồng ở điểm đến du lịch chưa thoả đáng. Chính vì vậy, một trong những quan điểm và mục tiêu quan trọng của Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là đẩy mạnh du lịch có trách nhiệm trong đó ưu tiên một số loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Phó Tổng cục trưởng cho rằng, sự đồng thuận của xã hội trong nhận thức về du lịch có trách nhiệm và khuyến khích hoạt động du lịch có trách nhiệm thông qua chứng nhận du lịch có trách nhiệm có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Và cuộc hội thảo được coi là một trong những nỗ lực đầu tiên cho phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam. Hy vọng các đại biểu tham dự hội thảo sẽ có được sự nhận thức cao, đề xuất những sáng kiến tốt cho mô hình chứng nhận du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam, cũng như thu hút sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.
Qua các tham luận và ý kiến tham gia tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất rằng du lịch có trách nhiệm đang là một xu hướng quan trọng của phát triển du lịch toàn cầu. Tại Việt Nam điều này càng có ý nghĩa khi ngành Du lịch đang bước sang một thời kỳ mới, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu. Các nội dung về phát triển du lịch có trách nhiệm, trong đó chú ý tới du lịch dựa vào cộng đồng và sinh thái, cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển du lịch tổng thể. Cần đặc biệt chú trọng tới nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhận thức xã hội về du lịch có trách nhiệm và công tác tuyên truyền quảng bá, giáo dục đào tạo. Các đại biểu cho rằng, để bảo đảm thực thi hiệu quả du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chứng nhận du lịch có trách nhiệm rõ ràng, minh bạch và phù hợp. Đồng thời việc cấp chứng chỉ cần được coi là một công cụ để cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng và sinh thái.
Tại hội thảo, nhiều thông tin quý báu về kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm tại một số khu vực trên thế giới và tại Việt Nam cũng được đưa ra, trao đổi rất bổ ích.
Theo PGS-TS. Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (TCDL), chứng nhận du lịch có trách nhiệm là sáng kiến có ý nghĩa đối với phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược về phát triển du lịch bền vững. Đây còn là yếu tố quan trọng góp phần tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày một toàn diện với khu vực và quốc tế. Vì vậy, sau những gợi ý, đề xuất ban đầu này, cần thiết phải có những nghiên cứu toàn diện hơn và sâu hơn để xây dựng được bộ tiêu chí hoàn chỉnh, được xã hội, trước hết là trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch chấp nhận và cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành thực hiện./.
FTQ biên tập