Quảng bá hình ảnh Việt Nam từ các di sản thế giới
Bản thân các di sản thế giới được vinh danh ở Việt Nam đã có giá trị. Do đó, thật dễ nhận thấy sự hấp dẫn của chủ đề di sản thế giới đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) và khách tham quan di sản. Người xem cảm nhận về triển lãm có chất lượng tốt, những tác phẩm nhiếp ảnh đều tả được những khoảnh khắc đẹp, qua đó tôn vinh những di sản văn hóa mà Việt Nam ta sở hữu. Có người nhận định thêm rằng, triển lãm đã góp phần thiết thực trong việc mời gọi du khách tới Việt Nam.
Sau 7 tháng phát động (từ tháng 1 đến tháng 7-2011), cuộc thi đã nhận được hơn 2000 tác phẩm của 281 tác giả. Một cuộc triển lãm những bức ảnh đẹp về chủ đề này đang được tổ chức tại Hà Nội.
Giải nhất thuộc về NSNA Việt Văn, hiện là phóng viên Báo Lao Động. Anh có lợi thế tiếp cận được với những giá trị di sản cùng với góc nhìn đậm chất “thời sự” của nghề báo nên tác phẩm Báu vật nhân văn sống của anh đã thuyết phục không chỉ Ban giám khảo mà còn rất đông khán giả. Cũng phải nói thêm rằng chủ đề mà Việt Văn chọn cũng được nhiều NSNA khác chọn. Song phần lớn các tác phẩm đó đều chưa đạt tới “khoảnh khắc vàng” như Báu vật nhân văn sống.
![]() |
Tác phẩm Cửa Đoan Môn ngày lễ rước Bằng chứng nhận Di sản thế giới của Nguyễn Vinh Hiển đoạt giải ba |
Tác phẩm Bức tranh phố Hội của tác giả Ông Văn Sinh đem đến một góc nhìn khá thú vị ở triển lãm. Bức ảnh này được xử lý hậu kỳ nhiếp ảnh bằng photoshop nhưng vẫn được Ban giám khảo đánh giá cao (giải nhì). Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh cho rằng, mặc dù bức ảnh được xử lý photoshop nhưng không làm mất đi tính nguyên gốc, hơn thế những kỹ thuật này làm bức ảnh thêm sinh động, làm rõ thêm chủ đề. Quả thật, Bức tranh phố Hội đưa người xem tới một cảm xúc đẹp từ khung cảnh rất đời thường.
Nói đến “chất đời thường” của các bức ảnh tham dự triển lãm nghệ thuật này, người xem đông đảo rất thán phục. Một góc phố, một con đường, một khoảng trời, một tảng đá… đều có thể trở thành chất liệu cho những NSNA khai thác. Có những khung cảnh rất “cũ” gánh nước ở phố cổ, lăng Khải Định, làng chài… đã được “làm mới” bởi ánh sáng và màu sắc. Những tác phẩm đó khiến người xem thấy quen mà lạ, lạ mà quen. Đó chính là nét độc đáo mà nhiều NSNA đã thể hiện được qua cuộc triển lãm lần này.
Giới nhiếp ảnh còn gặp nhiều “tên tuổi” khác như: Trần Thiết Dũng, Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Vinh Hiển… Mỗi tác phẩm đều lột tả được những nét đặc sắc của di sản văn hóa tại Việt Nam. Có thể thấy qua: Hoàng hôn Lang Biang, Lán bè, Cửa Đoan Môn ngày lễ rước Bằng chứng nhận Di sản thế giới…
Nhiều người xem cho rằng, những tác phẩm này còn làm được một việc “trọng đại” khác, đó là: Kết nối người xem với di sản. Sẽ có không ít người háo hức kiếm tìm những khung cảnh mà các NSNA đã ghi lại qua những bức ảnh, đó có thể là lễ hội Phù Đổng Thiên Vương, là điệu múa Lục cúng hoa đăng, là một chiều đầy sắc màu trên cao nguyên Lang Biang, là những khung cảnh “đời thường” của những người dân bình thường bên di sản văn hóa thế giới. Sự kết nối đôi khi chỉ giản dị xuất phát từ những góc ảnh bất ngờ, được khám phá bởi những tâm hồn nghệ sĩ. Và mỗi lần “chiêm ngưỡng” các tác phẩm đó của NSNA, công chúng lại càng thêm yêu quý và muốn đến khám phá các Di sản thế giới của nước Việt thân yêu./.