Hấp dẫn gành Đá Đĩa, Phú Yên
Người ta bảo gành Đá Đĩa Phú Yên độc đáo và hấp dẫn vào bậc nhất Việt Nam. Với chiều rộng khoảng 50 m và trải dài hơn 200 m, đá ở đây được dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau. Từ xa đứng nhìn, đá ở đây giáp liền với nhau, hòn nọ gắn với hòn kia đều đặn như một tổ ong.
Ở giữa gành có một lõm trũng làm cho đá nửa chìm, nửa nổi bồng bềnh như những chiếc thuyền nan. Do là lõm trũng nên ở đây nước mưa và nước biển cùng đọng vào tạo thành một vũng, có rất nhiều các loài cá nhỏ đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng bơi lội tung tăng. Ở chỗ nước ngập thì sứa bám vào dày đặc, rong biển dạt vào từng mảng tạo nên nét rêu phong trên từng mảng đá. Xung quanh các lõm, đá dựng tầng tầng, lớp lớp nên khi những ngọn sóng đập vào đã tạo ra những chùm tia nước trắng xóa, rất đẹp, làm cho những người tham quan sau một chặng đường mệt mỏi đang dựa lưng nghỉ ngơi bỗng dưng choàng tỉnh.
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, đá ở đây là những khối đá bazan được hình thành trong quá trình núi lửa vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa), cách vị trí gành Đá Đĩa hiện nay khoảng 30km hoạt động. Khoảng 200 triệu năm trước, nham thạch phun từ miệng núi lửa ra sát biển, gặp nước biển lạnh nên lập tức bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang khiến những cột đá bị cắt thành nhiều khúc. Đá bị nứt theo mạch dọc tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, nhưng cũng có một số cột đá bị những đường xiết cắt ngang, tạo thành những hình tròn, hình đa giác xếp chồng khít vào nhau như những chồng đĩa. Có lẽ vì thế nơi đây có tên gọi là gành Đá Đĩa.
Thật ra, dọc ven biển miền Trung có rất nhiều gành đá, tuy nhiên gành Đá Đĩa ở Phú Yên có một vẻ đẹp tự nhiên, cân xứng và đều tăm tắp đến lạ kỳ. Với cách bài trí: bên cạnh là khu vực Bãi Bàng với những tảng đá màu vàng óng ả. Phía bên này làng chài là những hàng dừa xanh cao vút. Phía Nam gành đá lại có bãi cát hình lưỡi liềm, trắng, sạch và mịn, dài khoảng 3km. Phía Bắc có bãi đá nham thạch trải dài trên 500m…hình như thiên nhiên đã cố tình tạo cho bức tranh gành Đá Đĩa nhiều màu sắc tạo ấn tượng khó quên cho du khách khi đến tham quan.
Cũng chính vì những vẻ đẹp của cảnh quan cộng với những giá trị địa chất, địa mạo của gành Đá Đĩa mà trong trong tháng 9/2011 vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã làm việc với Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao về việc nghiên cứu khả năng lập hồ sơ đề nghị di sản và danh hiệu quốc tế đối với một số di sản, trong đó có gành Đá Đĩa. Và hiện tại di tích thắng cảnh quốc gia này đã và đang được tập trung khai thác với các sản phẩm du lịch đặc trưng biển, đảo để thu hút hơn nữa khách du lịch trong và ngoài nước đến với Phú Yên nói riêng và biển miền Trung nói chung./.