Thưởng thức bánh mướt của người xứ Nghệ
Vì nó chứa đựng cả tấm lòng khắc khoải nhớ mong, hướng vọng quê nhà. Nhớ đến nỗi mà nửa đêm lồm cồm ngồi dậy, ngâm gạo để ngày mai làm ra miếng bánh quê, bưng mời đồng hương, mời cả những người hàng xóm.
Nếu như bánh cuốn Thanh Trì làm từ loại gạo tám thơm số một xứ Bắc; thì bánh mướt “dễ tính” của dải đất miền Trung nghèo khó, được làm từ những loại gạo tẻ thường, nhưng miếng bánh lại trắng, bóng mịn màng, mềm, dẻo trông rất bắt mắt, và cũng… sang trọng chẳng kém ai.
Nguyên liệu làm bánh mướt đơn giản, nhưng cách làm hơi cầu kỳ một chút. Thực ra làm bánh mướt không khó nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Gạo tẻ đem ngâm nước trong nhiều giờ liền, sau đó mới mang đi xay nhuyễn. Bột sau khi xay xong, muốn được ngon thì phải lắng tiếp trong khoảng 2 giờ nữa, có như thế, khi tráng, bánh mới phồng lên và có độ dai dai, mịn mịn. Bí quyết có dĩa bánh mướt ngon nằm ở cách người ta ngâm hay ủ bột.
Bột sau khi đã đạt yêu cầu mới đem đi tráng. Giai đoạn này, đòi hỏi sự khéo léo rất cao của người làm bánh nếu không bánh sẽ quá dày, không chín hay bị nhão không cuộn lại được. Lửa phải lớn, đều, vì thế, người làm bánh thường sử dụng bếp củi để tiết kiệm hơn.
Bánh được ăn kèm với nhiều thứ: thịt nướng, lòng heo, chả giò,… Nếu không thì có thể ăn chung với nước sốt cà chua kèm thịt luộc cũng rất ngon. Bánh còn được cuốn với thịt heo băm nhuyễn, giá, nấm mèo vào làm nhân, chấm với chén mắm ớt trong.
Nhờ được mời ăn bánh mướt, mà học thuộc mấy câu hát quê của người xứ Nghệ vốn “tràn trề” chữ nghĩa, chợt cảm nhận hết cái ý nhị của cụm từ “văn hóa ẩm thực”, mà bấy lâu vẫn thường quen nói nơi cửa miệng.
Ai về chợ huyện Sa Nam
Nhớ ăn bánh mướt cô nàng đong đưa
Ăn năm cái bánh no vừa
Ăn mười chiếc bánh no trưa lẫn chiều
Ăn rồi anh ngỏ lời yêu
Cô nàng cắp thúng mà theo anh về...
Chắc còn phải cảm ơn hoài hoài những người xứ Nghệ xa quê, vì đã trót một lần ăn mà khó lòng quên hương vị đặc trưng, đậm đà bánh mướt.