Phát triển du lịch biển đảo duyên hải Nam Trung Bộ
Bãi Môn - Mũi Điện (Phú Yên)
Khai thác du lịch biển đảo vùng Nam Trung bộ
Vùng duyên hải Nam Trung bộ trải dài khoảng 800km, gồm 8 tỉnh là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Các tỉnh trong vùng đều có biển tạo nên tiềm năng to lớn để phát triển du lịch biển đảo với các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng biển, thể thao trên biển, trên cát cũng như du lịch sinh thái biển, lặn biển...
Sự kết hợp hài hòa giữa biển và núi đã tạo cho vùng nhiều kỳ quan, thắng cảnh hùng vĩ, những bờ biển đẹp như Quy Nhơn (Bình Định), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) và nhiều suối nước nóng, suối bùn khoáng. Ngoài ra, vùng còn có nhiều đảo đá lớn, nhỏ như bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) được xếp vào danh sách rừng cấm với cảnh đẹp và thảm động thực vật phong phú, cù lao Chàm (Quảng Nam) khu vực dự trữ tự nhiên có diện tích 1.535ha và nhiều danh thắng khác như Hòn Ông Căn (Bình Định), Hòn Nội (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận)... Ngoài ra, có hai quần đảo khá nổi tiếng là quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Hoàng Sa (Đà Nẵng). Những vịnh đẹp của vùng là Dung Quất (Quảng Ngãi), Đại Lãnh Vân Phong (Khánh Hòa).
Ngoài biển, đảo thì những danh thắng, di tích cũng là điểm nổi bật của vùng với những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tâm linh và nghỉ dưỡng. Hiện nay, duyên hải Nam Trung bộ có khoảng 362 di tích được xếp hạng, chiếm 14,4% số di tích được xếp hạng trong cả nước.
Bên cạnh vẻ đẹp của tự nhiên và những di tích thì hệ sinh thái với những loài động thực vật đa dạng cũng tạo nên sức hút du lịch cho vùng. Trước tiên phải kể đến là nguồn hải sản phong phú. Vùng chiếm gần 20% sản lượng đánh bắt của cả nước, với những loài hải sản đặc sản như tôm, tôm hùm, cá mú, ngọc trai… Bên cạnh đó, còn có nhiều loài động vật với chủng loại đa dạng như: thú có 7 bộ, 19 họ và trên 50 loài với các loài đại diện như hổ, báo, gấu, bò rừng, sơn dương, sóc chân vàng, voọc ngũ sắc, khỉ đuôi dài, trăn gấm…; chim có 13 bộ và trên 150 loài, các loài đại diện gồm có: công, đại bàng đất, gà lôi, bìm bịp, đặc biệt chim yến cho sản phẩm có giá trị cao, nổi tiếng trong nước và quốc tế.
Vùng duyên hải Nam Trung bộ thu hút khách đến tham quan quanh năm kể cả du khách trong nước và quốc tế. Du khách đến vào tháng 2, tháng 5 và tháng 12 chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt mùa hè (tháng 7, 8) là mùa cao điểm về du lịch biển đảo của vùng. Khách đến đây theo nhiều loại hình du lịch đa dạng như tham quan thắng cảnh thiên nhiên; nghỉ dưỡng biển, tham quan di tích văn hóa - lịch sử; du lịch thương mại và tham dự hội thảo, hội nghị...
Khách du lịch đến tham quan phân bố không đồng đều theo khu vực, tập trung tại các khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận với các loại hình như du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng biển, đảo. Nhu cầu của du khách ngày càng đa dạng, các dịch vụ vui chơi giải trí gắn với du lịch biển đang được ưa chuộng nhiều hơn trước.
Biển Đà Nẵng
Những hạn chế trong phát triển du lịch biển đảo
Nguồn tài nguyên du lịch các tỉnh nhau lại thiếu sự liên kết phối hợp đồng bộ giữa các địa phương dẫn đến tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch trong vùng, chưa tạo được nét độc đáo riêng để thu hút khách. Loại hình và sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa phần vẫn là những tour du lịch tắm biển, tham quan cảnh đẹp đơn thuần, du lịch tâm linh lễ chùa...; những món hải sản với cách chế biến đơn giản mà cả 8 tỉnh đều có. Dịch vụ vui chơi giải trí còn thiếu và yếu.
Một điều đáng quan tâm khác là sự phát triển du lịch chưa đồng đều giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ. Các điểm du lịch tại Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Bình Thuận đã được khai thác từ sớm, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, được quan tâm đầu tư đúng mức tạo nên thương hiệu du lịch uy tín, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong khi đó, dù có tiềm năng lớn nhưng khai thác du lịch tại Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận và nhất là Quảng Ngãi vẫn còn hạn chế, chưa có quy hoạch cụ thể, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, hệ thống cơ sở lưu trú thiếu, nguồn nhân lực chưa đủ đáp ứng nhu cầu và chất lượng dịch vụ chưa cao.
Phát triển du lịch biển đảo hiện đang đứng trước nguy cơ suy giảm tài nguyên và sự xuống cấp của môi trường ở vùng ven biển do việc bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên chưa hợp lý cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của các đô thị, khu dân cư, công nghiệp vùng ven biển và công tác quản lý còn chưa tốt. Bên cạnh đó, sự quá tải lượng khách du lịch trong mùa cao điểm ở một số nơi làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên (điển hình là hệ sinh thái san hô có thể suy giảm 0.04% trong mùa cao điểm).
Một hạn chế chung nữa mà hầu hết các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ mắc phải đó là chưa đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu dựa trên thế mạnh riêng của từng tỉnh.
Giải pháp phát triển du lịch biển đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ
Để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có nhằm phát triển hiệu quả và bền vững du lịch biển đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương và cả những người kinh doanh du lịch trong việc thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch biển đảo như nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm, khám phá đáy biển và các đảo ven bờ, du lịch tàu biển... kết hợp với phát triển các loại hình du lịch bổ trợ như du lịch sinh thái núi (nghỉ mát, thể thao leo núi..), du lịch văn hóa (tham quan lễ hội, các di tích lịch sử văn hóa…), du lịch MICE… Mỗi tỉnh không chỉ có kế hoạch xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên thế mạnh của riêng mình mà cần phải liên kết chặt chẽ với địa phương khác để tạo nên những sản phẩm du lịch liên kết vùng và tránh sự trùng lắp.
Thứ hai, đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống các cơ sở lưu trú, kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển các công trình vui chơi giải trí, tạo ra những loại hình vui chơi giải trí độc đáo, cao cấp và hiện đại như cáp treo, sân golf… cũng như các loại hình vui chơi giải trí mạo hiểm gắn với tài nguyên biển và núi.
Thứ ba, đầu tư bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch như sửa chữa, nâng cấp hệ thống tài nguyên du lịch đặc biệt đối với các di tích văn hóa - lịch sử, các lễ hội truyền thống phục vụ du lịch, cải tạo môi trường tự nhiên khu vực hoạt động du lịch. Khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đồng thời là biện pháp bảo vệ môi trường trên cơ sở phát triển bền vững theo vùng, lãnh thổ. Có hình thức thưởng, phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quy tắc bảo vệ môi trường.
Thứ tư, chính quyền địa phương kết hợp cùng công ty du lịch trong việc xúc tiến quảng bá du lịch biển đảo của vùng một cách thường xuyên và có hiệu quả bằng nhiều hình thức và phương tiện thông tin: TV, báo, đài, website, sách, tờ gấp, bản đồ, CD, lễ hội, hội thảo, hội chợ, triển lãm... cả trong nước và nước ngoài nhằm thu hút du khách.
Thứ năm, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực như: đào tạo trình độ đại học và tăng cường khả năng nghiên cứu về du lịch; đào tạo trình độ trung học và học nghề về du lịch; tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý du lịch ở các cấp...
Như vậy, việc phát triển du lịch biển đảo vùng duyên hải Nam Trung bộ không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch địa phương phát triển mà còn thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế./.