Hoạt động của ngành

Pác Rằng (Cao Bằng): Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo

Cập nhật: 08/12/2011 09:51:28
Số lần đọc: 2679
Nằm trên địa bàn xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Pác Rằng là một xóm còn bảo lưu được khá toàn vẹn nền văn hóa truyền thống dân tộc cũng như cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng núi phía Đông Bắc. Chính vì vậy, Pác Rằng đã được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo thông qua Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Ngân hàng Phát triển châu Á tài trợ.

Với 53 hộ, 100% dân số là người dân tộc Nùng An, Pác Rằng hấp dẫn bởi sự bảo lưu khá toàn vẹn nền văn hóa truyền thống dân tộc, thể hiện đậm nét ngay trong kiến trúc nhà cửa cũng như nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Xóm làng tựa lưng vào núi, đầu làng có miếu thờ Thổ công, trong xóm là những ngôi nhà sàn cột nghiến, mái lợp ngói âm dương, trong đó có nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ được bậc thang đá và bể nước nhỏ để rửa chân trước nhà. Cùng với những nét sơ khai trong văn hóa kiến trúc nhà cửa của dân tộc Nùng, điểm nhấn cho sinh hoạt cộng đồng ở đây còn là sự vận hành những nghề truyền thống như rèn, dệt, đan lát... và việc sử dụng những sản phẩm này ngay trong cuộc sống lao động thường ngày. Hiện nay, người dân Pác Rằng vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục chàm truyền thống của dân tộc mình. Theo những người cao tuổi trong làng cho biết, từ việc mặc trang phục truyền thống mà người dân trong làng còn duy trì nghề dệt vải, nhuộm chàm. Hiện nay, sản phẩm từ những nghề thủ công truyền thống đặc trưng đã trở thành hàng hóa, một số nghề có thu nhập cao như nghề rèn, đúc trở thành thu nhập chính của nhiều hộ. Một số nghề khác như đan lát, dệt, nhuộm vải chàm cũng còn khá nhiều. Sự tồn tại và phát triển của các nghề thủ công ở đây không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa bảo lưu văn hóa dân tộc cũng như giáo dục truyền thống lao động cần cù cho thế hệ sau.

 

Bên cạnh bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, vấn đề bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái cũng được người dân Pác Rằng thực hiện tốt. Ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân dần được nâng cao, từ việc giữ gìn môi trường ở những mỏ nước của xóm. Việc tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân để phát triển nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kể, như: Qua tuyên truyền di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, 51/53 hộ ký kết thực hiện; bước đầu tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa tại xã; vận động người dân ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường...

 

Nét đặc sắc của Pác Rằng còn được thể hiện trong tín ngưỡng, phong tục, tập quán của dân tộc, đặc biệt là lễ hội Thanh Minh mà bản chất là lễ hội cầu mùa, dịp để thể hiện nền văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc; hình ảnh những chàng trai, cô gái hát giao duyên trong các lễ hội, đám cưới... Có thể thấy rằng, cùng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ đã tạo cho Pác Rằng nói riêng cũng như xã Phúc Sen nói chung có những giá trị nổi bật, đặc sắc cả về bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững trong tương lai.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục