Khám phá những cổ vật đặc sắc của Việt Nam
Phù điêu thần Brahma và thần Mahisha – Mardini của Bình Định
Đây là hai tác phẩm điêu khắc đẹp nhất của nền nghệ thuật điêu khắc cổ Champa và từng được Bảo tàng Hoàng gia Bỉ mượn trưng bày tại Bỉ và Áo hơn 1 năm.
Phù điêu Brahma là một chiếc lá nhĩ khá lớn (cao 1,3m, rộng 0,88m, dày 0,23m), thể hiện một vị thần 3 đầu 8 tay trong tư thế nhìn thẳng cân đối. Thần ngồi trên một tòa sen, những cánh sen nhọn kết dải hướng lên, làm nền cho tượng. Brahma là vị thần sáng tạo, người đã định dạng vũ trụ và canh gác, bảo vệ thế giới.
Phù điêu Mahisha - Mardini cao 1,27m, rộng 1,15m, dày 0,07m-0,12m, phía sau có chốt nhô ra để gắn vào kiến trúc. Phù điêu thể hiện một phụ nữ đang múa trong tư thế hai chân chùng xuống, mông đưa về bên trái, tay trái chống bên hông, tay phải cầm mũi tên. Tám tay phụ uyển chuyển, nhịp nhàng trong những động tác múa khác nhau, hai tay trên cùng đan vào nhau tạo thành hình chóp đưa cao quá đầu, sáu tay còn lại mỗi tay cầm một vật: tù và, cung, trượng, mũi tên, kiếm, đinh ba. Năm đôi tay nõn nà mềm mại thể hiện năm hoạt động của vũ trụ: sáng tạo, bảo tồn, hủy diệt, hóa thân và giải thoát…
Mahisha – Mardini là tên khác của Durga vì đã giết quỷ Mardini. Bà được sinh ra bởi sự kết hợp sức mạnh, năng lượng của nhiều vị thần khác.
Tượng đồng Nguyễn Ư Dĩ Quảng Trị và Bản khoán ước làng Phú Kinh
Đây là 2 cổ vật được giới nghiên cứu đánh giá rất cao giá trị và là hai cổ vật có một không hai ở trong nước và trên thế giới.
Tượng Nguyễn Ư Dĩ tạc hình cậu ruột của chúa Nguyễn Hoàng, cao 0,62m, phần vai rộng 0,30m. Tượng được đúc bằng đồng ở tư thế ngồi trên ghế thấp, hai chân gấp khuỷ hơi dang ra; khuôn mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng; đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia chỉ để lộ phần mũi. Toàn thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống vắt trùm cả hai chân. Hai tay vòng phía trước bụng khuất trong vạt áo choàng chỉ để hở một ngón tay cái của bàn tay phải. Phần bụng để hở to, tròn; trên ngực có một dải đai vòng. Tượng Nguyễn Ư Dĩ được thờ tại miếu thuộc đình làng Trà Liên, xã Triệu Giang, Triệu Phong.
Bản khoán ước làng Phú Kinh, được khắc trên một tấm gỗ lim, hình chữ nhật có kích thước 230 cm x 36,5 cm x 8 cm. Mặt trước khắc gần 5.000 chữ Hán, viết theo lối chữ Chân, mặt sau để trơn. Nội dung bản khoán ước là những quy định như phân chia ruộng đất, giáo dục, khuyến học, giữ gìn phong thuỷ, cưới xin, tang ma...Theo sử sách ghi lại, Bản khoán ước này do dân làng Phú Kinh, thuộc xã Hải Hoà, huyện Hải Lăng thực hiện vào tháng 6/1774. Đến nay, ngoài một vài vết thủng nhỏ do bom đạn, phần lớn bảo vật này vẫn còn nguyên dạng.
Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, tượng Bồ Tát Tara Đà Nẵng
Đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 7-8, là hiện vật gốc độc bản, còn tương đối nguyên vẹn. Đây là cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và Chămpa nói chung.
Đài miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt, thiên nhiên, động vật... là căn cứ quan trọng để nghiên cứu về đời sống tâm linh, xã hội của Chămpa cổ đại, đặc biệt là việc giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực.
Cách thức điêu khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà nghiên cứu nghệ thuật xem là tiêu biểu cho một phong cách ổn định sớm nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Chămpa, gọi là phong cách Mỹ Sơn E1.
Đàn đá Bình Đa, bộ sưu tập qua đồng Long Giao Đồng Nai
Bộ sưu tập đàn đá Bình Đa gồm 5 thanh nguyên và 31 mảnh, đoạn bị gãy, vỡ, được phát hiện và khai quật lần 1 năm 1979, lần 2 năm 1993 tại di chỉ khảo cổ học Bình Đa (thành phố Biên Hòa). Đàn đá Bình Đa có niên đại cách đây khoảng trên dưới 3.000 năm, điều này nói lên dòng nhạc đàn đá Việt Nam ít ra đã có chiều dài lịch sử. Theo đó, truyền thống chế tạo và sử dụng đàn đá trong cộng đồng các dân tộc ở miền Nam nước ta hẳn đã có cội nguồn từ lâu. Đàn đá Bình Đa là một sản phẩm văn hóa tiêu biểu và độc đáo của cư dân cổ trên đất Đồng Nai.