Diễn đàn tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hóa
![]() |
Đ.C Trần Bình Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, |
Với chủ đề thiết thực liên quan tới sự tác động của truyền hình với việc bảo vệ di sản, những hạn chế của các chương trình về di sản văn hóa hiện nay và mối quan hệ giữa các phóng viên, biên tập viên với các cơ quan nghiên cứu, các địa phương có di sản, diễn đàn được tổ chức ngay trong lòng di sản phố cổ Hội An đã thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu là các phóng viên, biên tập viên, các nhà quản lý đang tham dự Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 31.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 nhấn mạnh: Diễn đàn tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hóa được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 31 là nơi gặp gỡ giữa những người làm truyền hình và các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý các địa phương có di sản văn hóa, nhằm chia sẻ những ý kiến và đóng góp thiết thực, qua đó nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình về di sản văn hóa. Những năm qua, thành phố Hội An là địa phương đã làm rất tốt công tác bảo tồn các giá trị của một di sản văn hóa thế giới. Đây cũng là lý do tại sao Ban Tổ chức lại quyết định chọn Hội An là nơi tổ chức diễn đàn rất có ý nghĩa này.
Diễn ra chỉ trong khoảng 3 giờ nhưng qua các tham luận của các nhà nghiên cứu di sản, các phóng viên, biên tập viên đã gắn bó lâu năm với các chương trình về di sản văn hóa cũng như các nhà quản lý của đô thị cổ Hội An, Diễn đàn tuyên truyền bảo vệ và phát huy di sản văn hóa đã đem đến cho các đại biểu một khối lượng thông tin lớn.
Từ góc độ của một nhà nghiên cứu, TS Lê Thị Minh Lý, Cục phó cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Với những lợi thế về âm thanh, hình ảnh, truyền hình là kênh thông tin nhanh và mạnh hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa. “Truyền hình đã giúp người dân nhận dạng, nuôi dưỡng và trao truyền di sản văn hóa một cách tự nguyện, qua đó nâng cao tính bền vững của các di sản. Bên cạnh đó, truyền hình cũng tác động rất tốt tới thế hệ trẻ. Thông qua các chương trình được thực hiện ngắn gọn nhưng sinh động, truyền hình đã phần nào gắn được nhu cầu thưởng thức và tiếp nhận của giới trẻ với các di sản văn hóa”.
Tuy nhiên, đa phần các tham luận đều cho rằng, dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía các phóng viên, biên tập viên chuyên thực hiện các đề tài về di sản văn hóa nhưng thời gian qua, các chương trình truyền hình về đề tài này vẫn còn khá nhiều hạn chế. Cách thực hiện các chương trình về di sản văn hóa thường mang tính truyền thống, hình ảnh đẹp, lời bình hay nhưng lại chưa thực sự hấp dẫn, thường không điểm nhấn. Bên cạnh đó, nhiều chương trình bị trùng lặp đề tài, thường chú trọng đến các di sản văn hóa thuộc quá khứ, khá vắng bóng các đề tài đương đại, chương trình thường chỉ được xem xét dưới một góc độ...
Bên cạnh nguyên nhân từ các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, sự hợp tác chưa chặt chẽ giữa các cơ quan truyền hình với các nhà nghiên cứu, sự chưa vào cuộc của cả cộng đồng và nhiều hạn chế trong kỹ thuật, phương tiện cũng ảnh hưởng tới chất lượng của các chương trình truyền hình về di sản.
Đề cập đến những giải pháp cho vấn đề trên, nhà báo Khánh Mai, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc học tập các chương trình về di sản văn hóa của các kênh truyền hình lớn trên thế giới như NHK, DW về cách thức tư duy, tiếp cận đề tài, xây dựng kịch bản, viết lời bình... là một gợi ý tốt. Trong khi đó, nhà báo Trần Thanh Minh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Huế lại đưa ra giải pháp về những phóng viên chuyên trách về lĩnh vực di sản văn hóa tại các đài truyền hình, đồng thời phải có quy chế phối hợp tuyên truyền, giữa các địa phương có di sản văn hóa và các cơ quan báo chí. Đây cũng là giải pháp được đại diện của thành phố Hội An hết sức đồng tình bởi mối quan hệ hai chiều giữa phóng viên và địa phương có di sản mang lại lợi ích hết sức thiết thực cho cả hai bên.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, khi đặt mình vào vị trí của một nhà báo, “một người làm nghề”, ông Trần Bình Minh cho biết, đây thực sự là một diễn đàn có ý nghĩa không chỉ với những phóng viên làm văn hóa mà còn với tất cả các phóng viên truyền hình. “Tôi đồng ý với kết luận của một bài tham luận của một bạn phóng viên hôm nay khi cho rằng trên tất cả, cuối cùng vẫn là yếu tố con người. Chúng ta vẫn đang thiếu những người làm văn hóa trong truyền hình đủ kiên nhẫn, để tự nghiên cứu, tự học hỏi và đây cũng là điều mà nhiều phóng viên truyền hình còn đang thiếu”./.