Rộn ràng Hội Gàu Tào của người H’Mông
Người H’Mông đi chơi Tết dọc sườn núi, váy áo sóng sánh, áo hồng, khăn hồng, ô cầm tay cũng màu hồng như bức tranh hoa điểm xuyết núi rừng rẻo cao sơn cước, làm ngất ngây lữ khách du xuân.
Hội Gầu Tào ở đây được tổ chức giữa những sườn núi tràn nắng. Một cây nêu cao như đỉnh Tả Ngài Chồ nằm giữa sân khấu chính, trên đỉnh có một vòng lá tre non và có gắn một dải lanh dài hai màu xanh đỏ. Người H’Mông đứng chen vai xung quanh, trên núi, dưới đồi, ô xòe tươi thắm.
Sau phần lễ của thầy cúng theo phong tục, là phần hội được các bạn trẻ đón chờ.
Dưới chân cây nêu để một bầu rượu và một cây khèn. Bất cứ chàng trai nào ghé qua đều muốn uống một chén và nâng cây khèn trên tay, cuối mắt đầu mày với đám con gái mặc đẹp như mang cả mùa xuân xuống núi.
Rượu uống vào bồng bềnh say đắm, tiếng khèn trở nên tha thiết và réo rắt, thoảng như có lời thì thầm của đại ngàn, tiếng róc rách của dòng chảy dưới thung sâu, tiếng bước chân ngựa trên đường thiên lý. Vừa thổi khèn vừa nhảy múa, những vòng quay xoay tròn và dữ dội, bước chân dường như không chạm đất, ngỡ như thể chính ánh mắt say mê của các cô gái đã chắp cánh cho chàng trai bay lên.
Hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống đón năm mới của người H’Mông ở Simacai, được tổ chức từ ngày mồng 4 đến mồng 6 Tết Âm lịch hàng năm.
Đây là hội cầu phúc, cầu tự, cầu sức khỏe, cầu cho lúa xếp đầy bồ, ngô treo đầy gác, trâu bò đứng chật trong chuồng, nhà nhà con đàn cháu đống, hàng xóm vui vẻ thuận hòa, “người yên, vật thịnh”. Những nét văn hóa điển hình và đặc trưng nhất của người H’Mông được thể hiện rõ nét qua lễ hội lớn nhất trong năm này.
Giữa những đám hội là những dải bậc thang dài, những tốp người đang đứng ngồi náo nhiệt, túm tụm lại thành từng nhóm, náo nức và rộn ràng. Góc xa có đám cây cầu quay bập bênh, bập bênh của người H’Mông cao dễ tới 2 mét, mỗi người đu một bên và quay, bay chơi vơi giữa đất trời trong tiếng hò reo của mọi người. Một trò chơi mạo hiểm, đòi hỏi sự khỏe mạnh và lòng dũng cảm.
Hội còn có nhiều trò chơi và thi đấu khác như “Chọi bò” (giống như chọi trâu) hay “chọi chim” (thi xem con chim nào hót to nhất và lâu nhất). Người chiến thắng luôn mời những đối thủ khác về quán thắng cố do chiến sỹ biên phòng Pha Long nấu, rồi cùng nhau say cho đến khi nào hết hội mới thôi.
Con đường vào hội đông nghẹt người, hai bên lề đầy ắp những mẹt hàng xanh đỏ. Cách không xa là khu ẩm thực, nơi mà không người H’Mông nào đi hội có thể bỏ qua.