Sức hấp dẫn của Năm du lịch quốc gia Bắc Trung Bộ
Nhằm tôn vinh hệ thống tài nguyên văn hóa du lịch vừa mang tính độc đáo, vừa mang tính đa dạng của vùng Bắc Trung Bộ, Năm du lịch quốc gia 2012 nhấn mạnh chủ đề "Du lịch di sản". Theo đó, Thừa Thiên - Huế sẽ triển khai hai mươi sự kiện lớn xuyên suốt cả năm, với 11 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, chín sự kiện do tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, tập trung chủ yếu vào thời điểm đầu năm, mùa du lịch hè và các tháng cuối năm. Năm du lịch di sản 2012 được coi là sự tiếp nối chiến lược phát triển du lịch các tỉnh miền trung, đẩy mạnh liên kết vùng và tăng cường nguồn thu du lịch. Năm 2012, Thừa Thiên - Huế đặt mục tiêu đón 2 đến 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó có 40 đến 45% là khách nước ngoài, tạo tăng trưởng du lịch 25% và đóng góp 46 đến 48% GDP toàn tỉnh.
Ðể chinh phục những con số đầy thách thức này, Thừa Thiên - Huế đã dày công nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao và tập trung khai thác các tài nguyên du lịch mới được cho là có sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế trong năm 2012. Bên cạnh những sản phẩm đặc thù của các địa phương như: Lễ Vật làng Sình, làng Thủ Lễ; Thừa Thiên - Huế còn chú trọng phát triển du lịch tâm linh với hệ thống chùa, thiền viện Trúc Lâm-Bạch Mã, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân công chúa, Ðiện Huệ Nam...; phát triển hình thức du lịch kết hợp chữa bệnh tại các khu suối khoáng Thanh Tân, Mỹ An...; khai thác sản phẩm du lịch dựa trên quá trình trình diễn sản xuất, trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống tại các làng cổ: Phước Tích, Bao La, Thanh Tiên, Thủy Thanh...; khám phá loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; và gắn du lịch với nghệ thuật ẩm thực cung đình, dân gian... Trong đó, tỉnh chú trọng phát huy thế mạnh du lịch biển, đầm phá thành những dòng sản phẩm độc đáo, thu hút, có dấu ấn riêng như: Lễ Cầu ngư, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh biển ở phá Tam Giang - Cầu Hai - Thủy Tú - An Cư, biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, Túy Vân...
Ðến với Huế trong Năm du lịch quốc gia 2012, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tà áo dài Việt Nam thướt tha trong chương trình "Duyên dáng Việt Nam" (24, 25-3), được thưởng thức hương vị riêng cuốn hút của "Liên hoan ẩm thực miền trung" (30-4 đến 1-5), được say sưa ngân nga theo những giai điệu của "Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam" (5-2012), được hòa theo cảm xúc từ những tình huống độc đáo trong "Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc" (7-2012); phiêu diêu tự tại trong cảm xúc linh thiêng của Lễ hội Phật đản và Lễ hội hoa đăng Huế" (4 đến 6-5); hay trải nghiệm "Lễ hội sóng nước Tam Giang" (5-2012),... Trong chuỗi những sự kiện diễn ra từ đầu đến cuối năm, Festival Huế 2012 được coi là điểm nhấn của Năm du lịch quốc gia Bắc Trung Bộ. Mang chủ đề: "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", Festival Huế sẽ chính thức diễn ra trong chín ngày, từ mùng 7 đến 15-4, hội tụ nhiều hoạt động độc đáo, đa mầu sắc như: Ðêm Hoàng cung, Lễ Tế giao, Lễ hội Trống và nhạc cụ gõ "Âm vang hào khí Việt"... Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Ngô Hòa nhấn mạnh: Ðược khởi phát từ năm 2000 và duy trì tổ chức qua các năm chẵn, đến nay Festival Huế đã từng bước trưởng thành, có đẳng cấp và có thương hiệu trong khu vực và thế giới. Festival Huế trở thành một trong những lễ hội lớn nhất của Việt Nam và Ðông-Nam Á, là sự pha trộn của các lễ hội cộng đồng, lễ hội cung đình, là hoạt động giao lưu văn hóa mang tính quốc tế. Festival Huế 2010 đã thu hút sự tham gia của 48 đoàn nghệ thuật đến từ 28 quốc gia của năm châu lục. Tín hiệu mừng là các đoàn này đều mong muốn được trở lại trong Festival Huế 2012, và con số các đoàn nghệ thuật quốc tế đăng ký tham dự Festival Huế 2012 ngày càng tăng.
Ðể tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia 2012, Huế - đơn vị đăng cai đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế Phan Tiến Dũng cho biết: Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các cơ quan trong tỉnh tham mưu, tập trung các nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông tại các khu du lịch trọng điểm, đầu tư chỉnh trang đô thị, hoàn thành nâng cấp một số hạng mục của Sân bay quốc tế Phú Bài, cảng Chân Mây, trùng tu lại các di tích quan trọng nhằm mở rộng phạm vi tham quan, hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong quần thể di tích cố đô Huế, các dự án bảo tồn và phát huy hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử Cách mạng, văn hóa, tôn giáo... Ông Dũng khẳng định thêm, để mang đến thắng lợi cho Năm du lịch quốc gia 2012, Thừa Thiên - Huế còn đặc biệt chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế; xuất bản các ấn phẩm, vật phẩm, cổ động trực quan. Ðặc biệt, năm 2011, nhiều hình thức quảng bá văn hóa và giới thiệu điểm đến du lịch như hội chợ, triển lãm... đã được thực hiện ở nhiều nước như Thái-lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,...
Chương trình Năm du lịch quốc gia Bắc Trung Bộ 2012 chỉ có thể phát huy được sức mạnh tổng hợp nếu huy động được sự hưởng ứng, liên kết phát triển du lịch của các địa phương vùng, miền. Ý thức được điều này, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ đã đăng ký tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa qua các tháng như: Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (30-4 đến 1-5 tại Ðà Nẵng), lễ đón nhận danh hiệu Di sản thế giới Thành nhà Hồ (tháng 4-2012 tại Thanh Hóa), lễ hội Quảng Trị - Ký ức tháng tư (30-4 đến 1-5), lễ hội Làng Sen Nghệ An (tháng 5-2012), Tháng Du lịch khám phá hang động Việt Nam (tháng 6-2012 tại Quảng Bình), Lễ hội Bài ca Ðồng Lộc Anh hùng (tháng 7-2012 tại Hà Tĩnh), Lễ hội Ðêm phố cổ Hội An (tháng 9-2012 tại Quảng Nam),... Sự hưởng ứng, liên kết mạnh mẽ này không những giảm bớt được áp lực cho địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với tần suất sự kiện lớn, mà còn tạo hiệu ứng rõ rệt trong việc hình thành thương hiệu du lịch mạnh, mang tính cạnh tranh cao cho toàn vùng.