Tin tức - Sự kiện

10 sự kiện văn hoá nổi bật năm 2011 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn

Cập nhật: 06/01/2012 15:59:19
Số lần đọc: 1782
Kế thừa dư âm từ năm 2010, năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội với đầy ắp những sự kiện văn hoá, văn nghệ được tổ chức với quy mô lớn, bước sang năm 2011, hoạt động văn hoá, văn nghệ tiếp tục để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ.  Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin điểm lại 10 sự kiện văn hoá, văn nghệ nổi bật của đất nước năm 2011.

1. Sau 3 năm phát động, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thu được nhiều kết quả quan trọng. 

 

Tác phẩm "Những vần thơ thép" - một trong những tác phẩm hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ảnh: Nhà hát chèo Việt Nam

Phát động từ tháng 3/2008, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, sinh động, sáng tạo đưa Cuộc vận động trở thành một sinh hoạt có sức lan tỏa rộng lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước. Qua 3 năm thực hiện, đã có hàng ngàn bài báo, tác phẩm văn thơ, ca khúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kịch bản sân khấu, điện ảnh, các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian về chủ đề Bác Hồ và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ra đời. Nhiều tác phẩm giá trị được đăng tải, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo được sự quan tâm cổ vũ, hưởng ứng của đông đảo công chúng.

2. Các hoạt động văn hoá- văn nghệ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước

Lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Dân trí


Năm 2011 là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc: 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2011) gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng (28/1/1941 - 28/1/2011), 121 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2011); 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011); 36 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2011); 57 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2011); 66 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2011) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2011);100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội...Gắn với các sự kiện này là một loạt hoạt động văn hoá - văn nghệ, hội nghị, hội thảo được tổ chức với quy mô lớn, nhằm tuyên truyền để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của các ngày trọng đại của đất nước: Chương trình nghê thuật "Vang mãi bản hùng ca Điện Biên Phủ", "Điện Biên cất cánh", triển lãm "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Những khoảnh khắc", Phát động sáng tác ca khúc chủ đề 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước...

3. Các hoạt động văn hoá- văn nghệ đặc sắc hướng về biển đảo

 

Chương trình nghệ thuật “Lưu luyến miền biển đảo” tại
Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia
Duyên hải Nam Trung bộ-Phú Yên 2011. Ảnh: CPV

Trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, năm 2011, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền, lãnh hải của ta trên biển Đông.....qua một loạt những hoạt động văn hóa văn nghệ có chủ đề gắn với biển đảo: Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên 2011; Liên hoan làng biển Việt Nam 2011; Liên hoan đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, bờ biển lần thứ VIII; Hội thi “Biển đảo quê hương”.... Qua những hoạt động này, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn giúp nhân dân thêm hiểu, yêu và tự hào về biển đảo quê hương, từ đó có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ và gắn bó với vùng đặc quyền và lãnh hải của ta trên biển Đông.

4. Thành nhà Hồ và hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới

 

 Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: Thế Dương

Trong năm 2011, ngành Di sản và nhân dân cả nước đón nhận niềm vui liên tiếp: sau nhiều năm tiến hành làm hồ sơ và nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo tồn có hiệu quả, năm 2011, UNESCO đã công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hoá thế giới và Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Với việc 2 di sản được tôn vinh không chỉ chứng tỏ sự giàu có và giá trị đặc biệt của các di sản Việt Nam mà qua việc tôn vinh này, UNESCO cũng ngầm cảnh báo về sự mai một và việc cấp thiết phải bảo tồn di sản độc nhất vô nhị là hát Xoan của Phú Thọ.

5. Nhiều hoạt động tôn vinh văn hoá truyền thống

 

Chương trình Về miền quan họ năm 2011. Ảnh: vanhoattdlbacninh.gov.vn


Trong năm 2011 đã diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa truyền thống như: Liên hoan ca trù toàn quốc, chương trình Về miền quan họ Bắc Ninh, Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc....Trước xu thế mở cửa và sự hội nhập như vũ bão của các luồng văn hoá ngoại lai, hiện đại, văn hoá truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thậm chí chết yểu thì đây chính là những hoạt động thiết thực nhất để nuôi dưỡng, hồi sinh, phát triển và đưa những môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc thấm sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân.

6. Các hoạt động văn hoá đối ngoại được tổ chức sôi nổi trong và ngoài nước

 

Tuần văn hoá Campuchia 2011 tại Việt Nam. Ảnh: btd.vinhlong.gov.vn


Các hoạt động văn hoá đối ngoại được tổ chức sôi nổi trong và ngoài nước, tiêu biểu như Những ngày văn hoá Việt Nam tại Ucraina, Tuần văn hóa Campuchia 2011 tại Việt Nam, Tuần lễ văn hoá Ý tại Việt Nam, Hoà nhạc đặc biệt kỷ niệm 200 năm ngày Tuyên ngôn độc lập của Venezuela, Hoà nhạc hữu nghị Việt Nam – Na uy .... Qua đó nhằm tăng cường mối quan hệ giao lưu hợp tác giữa Việt Nam và các nước; đồng thời quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới; giúp nhân dân Việt Nam hiểu hơn về nền văn hoá đặc sắc của các nước trên thế giới.

7. Cuộc vận động bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới

 

 Vịnh Hạ Long - Niềm tự hào của Việt Nam (Ảnh: theo dulichvietnam. com.vn)

Trong năm qua, chưa sự kiện nào lại được Nhà nước tổ chức vận động bình chọn rầm rộ và quyết liệt như cuộc vận động bình chọn để Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, đặc biệt là giai đoạn nước rút. Trong cuộc chạy đua với 400 di sản của hơn 200 quốc gia trên thế giới, trong suốt 4 năm qua đã có gần 25 triệu lượt bình chọn cho Vịnh Hạ Long, đưa Hạ Long vươn lên trở thành di sản có số phiếu bình chọn cao trong danh sách sơ bộ 7 kỳ quan thiên nhiên mới vừa được công bố.

8. Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất- 2011

 

Đại diện các dân tộc trình diễn những bộ trang phục đặc sắc nhất của dân tộc mình.
Ảnh: UBDTVN


Chương trình trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam do Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với 233 thí sinh của 54 dân tộc đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước cùng tham gia trình diễn. Chương trình nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung và vẻ đẹp đặc trưng trong trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói riêng. Đây cũng là dịp để tổng kiểm kê việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc trang phục của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đại diện 54 dân tộc tham gia trình diễn đã tự tin mang lên sân khấu những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình, cùng nhau khoe sắc, hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh tổng thể của đại gia đình các dân tộc Việt Nam thống nhất.

9. Nhiều thành tích đáng ghi nhận của Thể thao Việt Nam

Phan Thị Thanh Hà, Lê Quang Liêm và Hoàng Quý Phước là những tên tuổi nổi bật
của thể thao Việt Nam năm nay. Ảnh: dvt.vn


Mặc dù chưa được như mong muốn ở môn thể thao vua nhưng tổng thể có thể nói, năm 2011 thể thao Việt Nam cũng có nhiều thành tích đáng tự hào. Ở Sea Games 26 Việt Nam giành 288 huy chương (96 HCV, 92 HCB, 100 HCĐ), đứng thứ 3. Riêng VĐV Hoàng Quý Phước giành 2 HCV tại Sea Games 26, phá kỷ lục Đông Nam Á nội dung 100m bơi bướm, đạt chuẩn tham dự Olympic London 2012. Cũng trong năm 2011, lần đầu tiên tại Giải Thể dục dụng cụ thế giới (Nhật Bản), VĐV Phan Thị Hà Thanh giành HCĐ, chính thức được tham dự Olympic London 2012.... Phát huy những thành tích đã đạt được, bước sang năm 2012 với sự đầu tư đúng, trúng và có trọng điểm cộng với sự cải tổ nhiều mặt trong công tác quản lý và tổ chức, hy vọng Thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tích cao, đáng tự hào hơn nữa.

10. Quản lý văn hoá đang có biểu hiện bất cập, đòi hỏi cần có chế  tài nhằm chấn chỉnh các hoạt động văn hoá- nghệ thuật đi đúng quỹ đạo

Những biểu hiện phản cảm trong hoạt động biểu diễn cần được chấn chỉnh kịp thời
Ảnh: Theo VoV


Năm 2011, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận trong các sự kiện, các hoạt động văn hoá- văn nghệ, vẫn còn bộc lộ một số bất cập trong quản lý văn hoá: thất thoát gần 40 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh; xuất hiện nhiều biểu hiện phản cảm trong hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ bị dư luận lên án nhưng chưa được xử lý kịp thời, thoả đáng; quản lý xuất bản còn thiếu chặt chẽ, để lọt những cuốn sách kém chất lượng bị thu hồi...Những bất cập trên đã chứng minh các cơ quan chức năng cần kịp thời xây dựng những chế tài hợp lý, ổn định, phù hợp với yêu cầu quản lý văn hoá trong thời kỳ mới./.

Nguồn: website Đảng CSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT