Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần
Vào thăm khu di tích, trước tiên phải qua hệ thống cửa ngũ môn; cổng chính giữa trên có hai chữ “Trần Miếu” (Miếu của nhà Trần). Qua cổng, men theo hồ nước là vào Đền Thiên Trường thờ mười bốn vị vua Trần. Trên các ban thờ đều có ngai rồng cùng bài vị chạm khắc tứ linh, sơn son thếp vàng. Tại tòa đệ nhị, gian chính giữa có ban thờ bài trí có long ngai, long bài ghi hàng chữ: “Trần triều liệt miếu tiên hoàng đế thần vị” (Thần vị các vua vương triều Trần tại miếu thờ”. Phía sau ban thờ liệt miếu có 3 ban và trên các ban đều có long ngai, long bài ghi thần hiệu hoàng đế.
Đền Cố Trạch có nghĩa là "nhà cũ". Trong lần tu sửa Đền Thiên Trường vào năm 1852, đã đào được một tấm bia đá có dòng chữ “Hưng Đạo thân vương Cố Trạch” (nhà cũ của Hưng Đạo Vương). Về quy mô, Đền Cố Trạch có nhiều nét giống như Đền Thiên Trường gồm: nhà đại bái, thiêu hương, cung đệ nhị và cung đệ nhất. Trong đó, thiêu hương cùng với tả hữu vu và cung đệ nhị thờ các bộ tướng văn quan, võ quan của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn; cung đệ nhất dành riêng thờ vương phụ, vương mẫu cùng phu nhân là Thiên Thành công chúa.
Vào dịp đầu năm tại Khu di tích lịch sử Đền Trần, diễn ra lễ khai ấn đầu xuân. Lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng). Tại Đền Cố Trạch các bô lão tề tựu đông đủ để lễ đức Thánh Trần, sau đó tham dự buổi lễ khai ấn đầu năm. Hòm ấn được đặt trang trọng trên ban thờ, trong hòm có hai con dấu. Quả nhỏ trên mặt khắc hai chữ “Trần Miếu”, quả lớn có khắc những chữ: “Trần Triều Tự Điển” và “Tích phúc vô cương” theo kiểu chữ triện. Đúng giờ tý (12 giờ đêm) buổi lễ bắt đầu; một cụ cao niên nhất đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó người rước hòm ấn đi theo nhịp trống, chiêng cùng ánh đèn, nến, tiến sang Đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ, cuối cùng là tổ chức đóng dấu son đỏ trên các tờ giấy vàng chia phát cho những người tham gia dự buổi lễ, chia về treo tại nhà để cầu phúc, cầu may. Ngoài lễ khai ấn đầu năm, tại Đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở vào dịp từ 15 đến 20-8 âm lịch hằng năm. Lễ dâng hương với nghi thức 14 cô gái đồng trinh đội 14 mâm hoa sau khi làm lễ ở ngoài sân theo tiếng nhạc lễ đi thẳng vào trong đền dâng lên trước ngai thờ của 14 vị vua sau lễ dâng hương và lễ đại tế của các bô lão trong làng nhằm diễn tả lại những nghi thức của triều đình phong kiến xưa. Sau lễ tế ở Đền Thiên Trường là lễ tế ở Đền Cố Trạch. Phần hội với các trò chơi dân gian, dân vũ độc đáo như: múa rồng, múa sư tử, chọi gà, võ vật, cờ người, hát văn, hát chèo./.