Non nước Việt Nam

Chiếc mặt nạ ma thuật của người Cơ Tu

Cập nhật: 29/02/2012 09:38:33
Số lần đọc: 2143
Với người Cơ Tu, mặt nạ ma thuật không chỉ là vật bảo vệ, xua đuổi ma xấu cho cộng đồng làng của người Cơ Tu mà còn làm cho các Gươl, nhà mồ của người Cơ Tu có vẻ đẹp khác biệt, ghi dấu trí tưởng tượng phong phú, đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Cơ Tu, trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc Gươl và nhà mồ của đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam.

Một mảnh hồn làng

 

Đối với đồng bào Cơ Tu, làng nào không có nhà Gươl, không thể gọi là làng văn hóa. Bởi nói tới làng văn hóa của người Cơ Tu thì luôn nhất thiết là phải có không gian sống động linh thiêng của nhà Gươl, ngôi nhà Gươl là tài sản chung, nó như một linh hồn sống, sức mạnh sự gắn kết cộng đồng của làng.

 

Trải qua bao biến động của thiên nhiên, lịch sử, chiến tranh… người Cơ Tu vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán, lễ hội, trang phục truyền thống, nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, âm nhạc… đã làm nên sự độc đáo và phong phú của văn hoá vật thể và phi vật thể trong đời sống cộng đồng, trong đó có nhà Gươl. Người Cơ Tu xem nhà Gươl là loại hình kiến trúc truyền thống lâu đời, Gươl là “linh hồn làng”, một biểu tượng văn hoá cao nhất của mình.

 

Xung quanh cũng như những tấm ván làm vách đều được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh của các con vật trông giống như thật: con trâu (đhát), tắc kè (chà châng), trăn (chong ruôn), kỳ đà (tà ri), thằn lằn (crchả-chăng)… và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng cũng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con… Bên trong nhà Gươl là nơi thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian Cơ Tu, sát vách họ dành riêng một khoảng để treo sọ những con vật sau mỗi lần săn bắn được hoặc các sọ đầu trâu sau mỗi lần làng tổ chức lễ hội và các nhạc cụ truyền thống...

 

Bí ẩn chiếc mặt nạ ma thuật

 

Khi đến các thôn bản của người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam chúng ta thường thấy có không ít những mặt nạ ma thuật được treo ở Gươl làng và đặt ở nhà mồ. Những mặt nạ ma thuật (Cơb hây/ká bel) bằng gỗ này thường thể hiện những bộ mặt nhăn nhó kỳ lạ… Cùng với nhà mồ, mặt nạ ma thuật còn được người Cơ Tu bố trí ở các Gươl.

 

Trong quan niệm của đồng bào, Gươl là sức mạnh, là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng nên mặt nạ ma thuật là vật bảo vệ không thể thiếu ở mỗi Gươl. Càng nhiều mặt nạ ma thuật ở nhà Gươl và ở những nơi thiêng liêng như vậy càng tăng thêm sức mạnh xua đuổi tà ma bên ngoài, ngăn không cho ma xấu quấy nhiễu đến đời sống dân làng. Nhờ có mặt nạ ma thuật ở Gươl mà dân làng yên tâm, không còn lo sợ.

 

Theo phong tục cổ truyền của người Cơ Tu xưa, người làm mặt nạ ma thuật hoặc tượng thiêng phải là thợ điêu khắc vào loại giỏi nhất làng. Khi làm mặt nạ ma thuật, nghệ nhân thường làm một mình, ở những nơi kín đáo nằm sâu trong rừng, không một ai đến xem và bàn luận gì. Tài năng của các nghệ nhân càng được đánh giá cao hơn khi điêu khắc được các mặt nạ ma thuật mà người ta nhìn vào đã thấy rùng rợn, sợ hãi.

 

Dù mặt nạ ma thuật được làm bằng gỗ nhưng nó rất có sức sống. Dù thấy nó bất động nhưng người Cơ Tu vẫn xem mặt nạ ma có linh hồn riêng. Người Cơ Tu quan niệm nó có thể dò xét, xua đuổi ma xấu, biết ai trong làng có “cái bụng xấu”, cái tâm ý không trong sáng. Nhìn vào mặt nạ ma thuật ở Gươl, nhà mồ, kẻ xấu phải sợ hãi, lo lắng.

 

Khi chúng tôi đến nhà Gươl của người Cơ Tu tại Làng truyền thống huyện Đông Giang, hình ảnh đầu tiên bắt gặp ở lối vào đó là cặp mặt nạ ma thuật được bố trí ngay ở mặt trước của nhà mồ. Hai mặt nạ ma ở hai bên, vị thần bảo vệ cầm cây dao dài được đặt ở giữa để bảo vệ nhà mồ. Trong quan niệm của người Cơ Tu, nhà mồ rất quan trọng.

 

Người già Cơ Tu thường mong muốn rằng sau khi họ chết đi, họ được con cháu chôn cất trong một nhà mồ thật đẹp, đúng quy cách truyền thống. Ở đó, cùng với các thành phần khác, mặt nạ ma thuật là một trong những vật được bố trí để bảo vệ linh hồn của người đã khuất. Nhờ có mặt nạ ma thuật mà hồn người chết trong nhà mồ không bị làm khổ, không bị ma xấu quấy nhiễu. Mỗi nhà mồ, người Cơ Tu thường bố trí ít nhất là 2 mặt nạ ma thuật, nếu điêu khắc tốt thì cột nào cũng có.

 

Chỉ bằng con dao nhọn và chiếc mác bén ngót, những thân cây lớn đã được đẽo gọt thành các tác phẩm nghệ thuật. Với những nhát gọt chính xác, dứt khoát, không chi tiết cầu kỳ làm cho mặt nạ mang tính biểu tượng cao. Mặt nạ ma thuật được xem như một vị thần bảo vệ làng, chống lại các thế lực tà ma quấy nhiễu dân làng. Loại mặt nạ truyền thống được tạc hình mặt người, phía trong khoét lõm, mắt và miệng mặt nạ được chạm thủng để người sử dụng có thể nhìn được.

 

Từ những chiếc mặt nạ mang tính ma thuật được dùng trong tế lễ này, về sau người Cơ Tu treo chúng trong một số nhà mồ, trên cột Gươl với ý nghĩa như như những vị thần bảo vệ, giúp xua đuổi ma xấu. Trong quan niệm của đồng bào, Gươl là sức mạnh, là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng nên mặt nạ ma là vật bảo vệ không thể thiếu ở mỗi Gươl. Ở những nơi thiêng liêng như vậy, mặt nạ ma là “bảo bối”, có sức mạnh xua đuổi tà ma bên ngoài, ngăn không cho ma tà quấy nhiễu đến đời sống dân làng. Nhờ có mặt nạ ma ở Gươl mà dân làng yên tâm, không còn lo sợ.

 

Từ xa xưa người Cơ Tu đã biết dùng gỗ và sơn màu tự tạo từ các thân cây trong rừng để điêu khắc nên các mặt nạ ma. Tài năng của các nghệ nhân càng được đánh giá cao hơn khi điêu khắc được các mặt nạ ma mà người ta nhìn vào đã thấy rùng rợn, sợ hãi. Càng nhiều mặt nạ ma ở nhà Gươl thì Gươl đó được bảo vệ càng tốt, vững chãi. Nhờ đó mọi người trong làng an tâm hơn. Do đó, mặt nạ ma đã trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc Gươl của đồng bào Cơ Tu.

 

Già Alăng Jeng, thôn Aur, xã Avương, huyện Đông Giang là một trong những người chuyên làm điêu khắc mặt nạ ma thuật cho rằng: “Dù được điêu khắc với nhiều hình thể khác nhau nhưng mặt nạ ma luôn là vật bảo vệ, xua đuổi ma tà cho cộng đồng làng của người Cơ Tu. Không chỉ vậy, mặt nạ ma còn làm cho các Gươl, nhà mồ của người Cơ Tu có vẻ đẹp khác biệt, ghi dấu trí tưởng tượng phong phú, đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu”. Mặt nạ được đục đẽo, chạm trổ từ một đoạn cây gỗ, đường nét mắt, mũi, miệng được cách điệu hoang sơ phản ánh nghệ thuật nguyên thủy. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, một đường cong trên má, đủ để thể hiện được tính chất của chiếc mặt nạ: hung dữ, hiền lành hay vui vẻ.

 

Mặt nạ ma thuật xuất hiện từ rất lâu đời và cùng với chiếc khiên làm bằng gỗ (khiên tròn hay khiên hình thang cân) là hai vật được sử dụng trong chiến đấu, nay lại trở thành một vật phẩm trong các lễ hội văn hóa tộc người. Hai loại này cũng tìm thấy ở một số dân tộc cận cư như Ba Na, Xơ Đăng. Song, ở người Cơ Tu có sắc thái riêng trong tạo dáng và chạm trổ đường nét trên chiếc mặt nạ gỗ khi kết hợp giữa tài nghệ gọt đẽo, tạo ra nhiều trạng thái xúc cảm với thuật sử dụng màu sắc truyền thống trắng, đỏ, đen để tạo nên nét đặc trưng biểu cảm khác nhau. Với từng nhát đục, nhát đẽo gọn gàng, không rườm rà, không trau chuốt, họ đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật mang tính nguyên sơ và giàu chất biểu tượng...

 

Nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Cơ Tu rất sinh động và đặc sắc bởi còn nguyên sơ, mộc mạc và giàu tính biểu tượng. Tất cả thể hiện niềm yêu sống, sự hòa hợp với thiên nhiên và ước vọng ấm no, an lành của người Cơ Tu nơi Trường Sơn đại ngàn. Mặt nạ ma thuật của người Cơ Tu hiện nay còn lại rất ít, chỉ còn lại ở một số xã, thôn vùng cao Tây Giang, Nam Giang. Điều đáng mừng là Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Nam đã sưu tầm và lưu giữ được nhiều mặt nạ gỗ của người Cơ Tu còn lại để lưu giữ./.

Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT