Thác Bản Ba (Tuyên Quang): Dòng thác của những huyền thoại
Bắt nguồn từ dãy núi đá vôi Khau Nhoi, thuộc địa phận xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang (Hà Giang), được chở che bởi những cánh rừng nguyên sinh trùng điệp nên suốt 4 mùa, thác nước luôn cuộn chảy, chẳng khi nào khô cạn. Từ trung tâm xã Trung Hà (Chiêm Hóa) vào đến chân thác Bản Ba, xuyên qua những cánh đồng lúa. Thấp thoáng bên dãy nhà mái ngói của đồng bào tái định cư từ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang là những nếp nhà sàn của đồng bào Tày. Những cây cọ bên đường xòe ô che bóng mát, những chiếc cọn nước quay đều bên suối Ngòi Ba, huyền thoại về dòng thác với bao câu chuyện ly kỳ mà người già kể lại… Tất cả như một dấu gạch nối giữa quá khứ và tương lai, cho chúng tôi có một cái nhìn toàn cảnh về vẻ đẹp nên thơ của miền sơn cước này.
Khu du lịch sinh thái thác Bản Ba có tổng diện tích quy hoạch 55ha. Nơi đây hội tụ đa dạng về các hệ sinh thái rừng, hệ động thực vật phong phú, đa dạng về thành phần loài và được phân bố trên 2 nền vật chất chính: Hệ động thực vật trên núi đá vôi và trên núi đất. Đến nơi đây, du khách không chỉ được khám phá hệ sinh thái phong phú của khu rừng nguyên sinh mà còn được tắm mình trong dòng thác Bản Ba đầy thơ mộng. Thác Bản Ba được hình thành từ quá trình vận động tạo sơn của thềm lục địa của vỏ trái đất, sự đứt gẫy của các khối núi đá vôi. Đây là nơi chuyển tiếp giữa địa tầng đá vôi với núi đất Feranit phát triển trên nền đá phiến sét.
Dòng thác Bản Ba có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính. Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, tầng thứ hai gọi là Tát Cao và tầng thứ ba gọi là Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao khoảng 5m đến 7m và có nhiều khe nước nhỏ và các vực nước trong xanh có tác dụng điều hòa và phân phối nước. Hai bên dòng thác Bản Ba là những cánh rừng xanh đại ngàn trải dài như vô tận, với những cây cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm tuổi, những thân dây leo cùng một thảm thực vật phong phú. Tất cả đã tạo cho cảnh quan của dòng thác Bản Ba một vẻ đẹp nguyên sơ và đầy thơ mộng.
Chinh phục tầng thứ 3 - Tát Gió, là một niềm tự hào với du khách mỗi lần đến với Bản Ba, bởi đây là tầng thác cao nhất. Giữa rừng đại ngàn, dòng thác trắng cuồn cuộn tuôn đổ như muôn triệu chuỗi ngọc trai lấp lánh, vô tận. Lắng nghe giai điệu du dương, trầm bổng của dòng thác, câu chuyện tình của đôi trai gái từ nơi xa đến lập ra làng Lạc Bạn bỗng đâu như vang vọng... Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa, có một đôi trai gái từ nơi xa đến đây sinh sống và lập ra làng Lạc Bạn (làng này thuộc tỉnh bạn Hà Giang). Ngày tháng trôi qua, làng Lạc Bạn ngày càng trở nên đông vui nhộn nhịp. Làng Lạc Bạn có một phong tục được duy trì và tổ chức hàng năm là cuộc thi thả bè nứa ở dòng nước nhỏ đổ từ trên núi cao xuống chân núi để thể hiện sự dũng mãnh của các chàng trai miền sơn cước. Các gia đình trong làng đã cử người ra đứng dưới chân núi gõ mõ, sau 3 hồi gõ thì từng đôi thả bè nứa. Trong khi thả bè có rất nhiều người lao xuống vực sâu bị chết. Vì quá thương xót cho những người xấu số, những người còn sống đã than khóc suốt đêm ngày, nước mắt của họ đã hòa vào dòng nước tạo thành dòng thác lớn như ngày nay.
Chúng tôi còn được người già trong làng kể cho nghe sự tích về “Cây dong lá đỏ” gắn liền với sự oai linh của chúa Cả Lượng người Tày có tài ba tướng mạo, cai quản dân làng, mang lại sự no ấm, hạnh phúc cho muôn dân… và biết bao những câu chuyện huyền thoại xung quanh dòng thác thơ mộng này. Bữa ăn trưa dưới bóng mát cây rừng, bên chân thác mới thật thú vị. Gốc cây, phiến đá trở thành bàn tiệc của từng nhóm du khách. Hương hoa thơm dịu tỏa lan từ những khóm cỏ dại bên khe đá mang lại cho mỗi chúng tôi một cảm giác bâng khuâng, thư thái trong tâm hồn…