Làng mỹ nhân dưới chân Yên Tử
La Triệu Vân, Trưởng Phòng Văn hoá -Thể thao và Du lịch huyện Sơn Động phải điều bốn chiếc xe để đưa anh em tôi vào bản Mậu. Mùa này, con đường khốn khổ từ ngã ba Yên Định đi bản Mậu vướng một trận mưa là chỉ có nước đi bộ. Vùng này, có nhà máy nhiệt điện vừa hoà lưới điện quốc gia, có mỏ than Đồng Rì, có dòng sông An Châu vắt vẻo chảy qua những triền dốc đầy hoa rù rì và những vạt rừng non xanh mướt mát. Người vùng này chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Dao, Nùng, Tày nhưng cũng có một xã Tuấn Đạo được phong anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì thành tích chiến đấu trong suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc.
Bản Mậu có đến 97% là đồng bào Dao sinh sống. Từ bản Mậu lên đến chùa Đồng theo đường mòn chỉ mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Nơi đây là khởi nguồn truyền thuyết gái “tiến Vua” thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho mãi đến ngày nay.
Chuyện kể rằng, năm Phật Hoàng quyết ý xuống tóc lên Yên Sơn xuất gia lập lên thiền phái Trúc Lâm, văn võ bá quan nhà Trần có nhiều người không thuận. Họ lên núi tìm đến nhà vua thuyết phục ngài về triều. Để lung lạc ý chí xuất gia của nhà vua, họ đưa lên núi cả những cung tần, mỹ nữ trong cung, những phi tần xinh đẹp được vua yêu chiều nhất. Thế nhưng, tất cả đều không khiến nhà vua chạnh lòng. Ngài hạ chiếu truyền ngôi cho Thái tử, tự nhận mình là Thái Thượng Hoàng rồi tuyên cấm không cho ai nói về chuyện quay về triều. Đối với các phi tần, nhà vua hạ chỉ cấp bổng lộc và cho họ hồi hương. Biết ý chí của nhà vua, các phi tần đành lục tục kéo xuống núi. Có toán tìm được đường về quê, cũng có người tìm đến các ngôi chùa gần vùng Yên Tử xuất gia tu hành. Lại có những người không tìm được đường về, ở lại dọc các con đường dưới chân Yên Sơn lấy chồng, sinh con, lập các làng bản dưới chân núi như hiện nay. Trải qua bao năm tháng, tuế nguyết khuyết lại đầy, những phi tần năm xưa còn lưu lại hậu thế những cô gái “xinh như ngọc ngà, da mịn như nhung, môi hồng như hoa và cũng rất giỏi giang, đảm đang” nơi bản làng hoang sơ này.
“Nếp làng Gà, đàn bà bản Mậu”
Không biết câu ví có từ bao giờ nhưng cơ bản đã nói hết được nét đặc sắc của vùng đất này. Gạo nếp ở làng Gà (xã Long Sơn) ăn tuyệt ngon, còn đàn bà bản Mậu gặp một lần không thể quên. Bản Mẫu, Tuấn Mẫu, hay Mậu, có tên ấy là vì thế. Đại ý nói nơi đây có những người mẹ đẹp, tất đẻ ra con đẹp. Mà lạ, chỉ có con gái là đẹp chứ đàn ông, con trai không hiểu sao lại thậm xấu, đến mức mà không thể lấy được con gái trong bản. Cũng có thể vì trước kia có một số binh lính hầu cận cung phi cùng ở lại lập bản, lập làng nên họ quy ước con trai, con gái trong bản không được lấy nhau chăng ? Dù chưa có tài liệu nào xác thực nhưng tập tục này truyền đời từ đó đến tận bây giờ. Con trai bản Mậu lớn lên ngơ ngẩn nhìn con gái đến tuổi kéo nhau đi lấy chồng nơi khác cả. Vậy mới có thêm truyền thuyết về Giếng Tiên, nơi dành riêng cho con gái bản Mẫu tắm, đã bị đám trai làng lén gây ô uế và cuối cùng đã lấp mất tự bao giờ.
Người già ở bản Mậu kể lại chuyện người xưa kể về Giếng Tiên, cái giếng nước quanh năm đầy ắp, trong vắt và giúp cho co gái da trắng, tóc đen, môi đỏ. Ông Trịnh Tiến Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tuấn Mậu, người đưa chúng tôi đi thăm vùng đất truyền thuyết kể rằng con gái sinh ra ở bản Mậu được tắm bằng nước Giếng Tiên từ bé nên mới đẹp thế. Ông Hồng, năm mươi sáu tuổi, nhìn tráng kiện và có nhiều tài lẻ. Vậy nhưng thời trai trẻ của ông không tài nào hỏi cưới được các cô gái bản. Mãi ngoài ba mươi tuổi, cái tuổi “ế chỏng chơ” theo quan niệm của đồng bào dân tộc, ông mới lập gia đình với một cô gái bản bên, cách nhà gần nửa ngày đi bộ. Ấy vậy nhưng hai cô con gái của ông bà, một đã lấy chồng, một hiện đang học lớp 12 trường THPT thị trấn An Châu (Sơn Động) lại vẫn xinh như mộng.
Cái sự đẹp của con gái bản Mậu được kiểm chứng và thừa nhận trong các cuộc thi sắc đẹp. Đó là chị Bàn Thị Giảng, đoạt giải người đẹp các tỉnh miền núi phía Bắc những năm 90 thế kỷ trước; đó là Trịnh Thu Hương, đứng trong Top 10 người đẹp dân tộc năm 2010…
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Nằm trên cung đường tâm linh, trong đề án phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang, điểm bắt đầu từ Thiền Viện Phượng Hoàng, chùa La (Vĩnh Nghiêm tự) đến điểm cuối ngay dưới chân chùa Đồng (Tây Yên Tử) thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Dự án đang thi công con đường tỉnh 293 chạy qua những điểm du lịch nổi tiếng khác ở sườn Tây Yên Tử sẽ mang lại cho người dân nơi đây triển vọng phát triển kinh tế khá rõ nét. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch xã Tuấn Mậu cho biết xã có 507 hộ dân, trong đó hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn được tách ra từ xã Thanh Sơn nên cơ bản Tuấn Mậu còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường. Đời sống của đồng bào còn rất khó khăn với 58,8% hộ nghèo. Nghề chính là làm nông nghiệp, một bộ phận tham gia trồng và bảo vệ rừng; một số hộ làm nghề dịch vụ. Xã có hơn 700 cháu đang đi học nhưng mới chỉ có 245 cháu bậc mầm non và Tiểu học được học tại xã. Số học sinh còn lại phải học “nhờ” trường tại thị trấn Thanh Sơn bên cạnh hoặc ra An Châu cách hơn hai chục cây số. Đây là một trong những khó khăn không dễ khắc phục trong thời gian ngắn.
Chương trình hành động của Đảng bộ xã trong những năm tới là hoạt động văn hoá – du lịch nên Tuấn Mậu xác định mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá là trọng tâm. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trước hết xã xây dựng và quảng bá văn hoá của đồng bào dân tộc Dao bản địa. Đây là dân tộc “đa số” của xã, có cuộc sống khá ổn định và hầu hết những đặc sắc văn hoá vẫn được bảo lưu đầy đủ. Ngoài hệ thống tiếng nói và chữ viết, những phong tục của đồng bào như các lễ, hội; nghề làm thuốc nam truyền thống; dệt và may trang phục dân tộc… đều nằm trong chương trình này. Định hướng “đi tắt, đón đầu” vệt du lịch cũng bắt đầu được khởi động bằng các đề án khôi phục khu du lịch sinh thái Đồng Thông, thác Ba Tia, Giếng Tiên, gò Đá Nứng…trên địa bàn. Riêng bản Mậu, khai thác lợi thế “làng mỹ nhân” một cách tối đa là một trong những phương án khả thi. Ông Trịnh Tiến Liên, Bí thư chi bộ bản Mậu cho chúng tôi biết chi bộ vừa thông qua quyết định thành lập đội văn nghệ của bản. Theo đó, đội sẽ có khoảng 20 thành viên, lĩnh vực hoạt động chính là ca múa dân tộc, bên cạnh đó đội cũng tham gia các hoạt động quảng bá du lịch cho địa phương. “Chúng tôi đã đề xuất cấp trên cho kinh phí xây dựng nhà văn hoá và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, kể cả các hoạt động tâm linh. Về hoạt động này, chúng tôi có một mo trưởng là ông Triệu Tiến Linh, ông sẽ chịu trách nhiệm chính về thực hiện các hoạt động tâm linh của dân bản”, ông Liên cho biết. Cũng theo ông Liên, từ lâu nay bản có nghề truyền thống là bốc thuốc nam nhưng chưa được quan tâm đúng mức. “Thuốc nam người Dao bản Mậu tốt có tiếng, những ngày hội Yên Tử vừa qua, hầu hết phụ nữ trong bản đều lên Yên Sơn bán thuốc. Ngày nào bán tốt có người cũng kiếm được vài triệu. Bà con thường nghỉ lại tại chùa, bán hết thuốc mới về”.
Tuy nhiên, cũng như đại đa số người dân trong xã, đời sống của người dân bản Mậu còn nhiều khó khăn. Cả bản có 110 hộ thì có 60 hộ nghèo. Đến bản Mậu bây giờ, chủ yếu chỉ thấy các cụ ông, cụ bà sức khoẻ yếu còn lại cả bản vắng tanh. Hỏi mới biết, ngoài số nữ thanh niên đang đi học hoặc đã đi lấy chống, hầu hết nam thanh niên cũng thoát ly đi làm ăn xa chỉ dịp lễ, tết mới về. Chẳng còn mấy ai mặn mà ở lại chốn sơn lâm heo hút này. Ngoài ra, theo trưởng phòng Văn hoá huyện La Triệu Vân, sự “xâm lấn” của lối sống hiện đại, của văn hoá mạng cũng dần bào mòn những tiềm thức văn hoá bản địa. Đây là một khó khăn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của bà con trong bản. Như vậy, để có thể khai thác được giá trị văn hoá phục vụ du lịch, không thể chỉ dựa vào cộng đồng và ý thức tự tôn dân tộc của đồng bào mà phải có sự chung tay của các cấp chính quyền cũng như ngành văn hoá./.