Hấp dẫn tour du lịch “Hương xưa làng cổ” trong dịp Festival Huế 2012
Làng cổ Phước Tích ngoài việc được biết đến với nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng, còn là địa điểm du lịch hấp dẫn với nhiều ngôi nhà rường cổ cùng những phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết: ngôi làng cổ này được hình thành từ năm 1470 dưới triều vua Lê Thánh Tông, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu uốn cong hình móng ngựa tạo nên phong cảnh nên thơ, hữu tình. Đây là ngôi làng cổ hiếm có của Việt Nam với quần thể kiến trúc nhà rường còn nguyên vẹn và nhiều sản phẩm dân dã, các nghề truyền thống, đặc biệt là các lễ hội dân gian độc đáo còn lưu truyền dù đã trải qua nhiều thế hệ.
Hiện trong 117 nóc nhà của cả làng còn gìn giữ nguyên vẹn 27 ngôi nhà rường tuyệt đẹp, nằm mơ màng dưới bóng cây và ở cuối những ngõ nhỏ quanh co theo hàng rào chè tàu. Khác với nhà vườn truyền thống của cố đô Huế vốn chuộng sự nghiêm cẩn trong bố cục kiến trúc, ưa sự kín đáo được tạo bởi hàng rào, bình phong và đánh giá cao các chi tiết chạm trổ toàn mỹ, nhà rường cổ tại Phước Tích hút hồn người bởi vẻ đẹp dung dị, đơn sơ mà không kém phần trang nhã. Những mảnh sân rợp bóng lá, những gốc vả xù xì che chắn phía ngoài, còn phía trong trầm tư mái nhà lợp ngói rêu phong. Hệ thống nhà rường cổ Phước Tích bình dị như chính bản thân ngôi làng bên dòng Ô Lâu, ngõ nhỏ quanh co dắt lối, cây xanh mát bốn mùa bao phủ mà vẫn thoáng đãng. Với vị trí địa lý nằm kề làng mộc Mỹ Xuyên nên những ngôi nhà rường Phước Tích còn lưu lại được các nét chạm trổ khá tinh xảo trên bộ khung gỗ. Trong đa số nhà cổ còn lưu giữ nhiều hiện vật đã có tuổi hàng trăm năm như trường kỷ, hoành phi, câu đối…
Qua hơn 500 năm tồn tại, trải qua các cuộc chiến binh lửa, Phước Tích vẫn giữ gần như nguyên vẹn vẻ thanh bình của một làng quê yên ả, nơi bến nước, sân đình, mái chùa vẫn giữ được dáng vẻ xưa.
Tour du lịch “Hương xưa làng cổ” ngoài việc giới thiệu những ngôi nhà rường cổ cùng những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng của Huế, còn giới thiệu tới du khách nghề làm gốm Phước Tích. Để thực hiện tour du lịch này, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Trường đại học Nghệ thuật Huế thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích”. Đề tài đã giúp cho những người thợ gốm làng Phước Tích biết sáng tác, thiết kế và thử nghiệm các mẫu mã sản phẩm gốm mới; đồng thời chuyển đổi công năng sử dụng từ dòng sản phẩm gốm dân dụng sang dòng gốm trang trí ứng dụng có giá trị thẩm mỹ, kinh tế cao. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại Festival Huế 2012.
Hy vọng với tour du lịch “Hương xưa làng cổ” tại Festival Huế năm nay, người dân và du khách sẽ hiểu hơn ý nghĩa lịch sử của ngôi làng cổ nhằm nâng cao ý thức bảo tồn di sản, từng bước đưa Phước Tích trở thành điểm du lịch về nguồn hấp dẫn trong hành trình đến Huế./.