Non nước Việt Nam

Ngôi nhà sàn độc đáo ở Nà Muông, Tuyên Quang

Cập nhật: 23/03/2012 15:39:58
Số lần đọc: 2385
Nghe gia chủ kể chuyện về quá trình làm ngôi nhà này mới thấy thật là cả một kỳ công. Đó là quá trình lao động chăm chỉ của không chỉ riêng các thành viên trong gia đình mà có sự đoàn kết, giúp sức của cả cộng đồng dân làng thời bấy giờ.

Tính từ khi bắt đầu chuẩn bị vật liệu đến khi hoàn thành mất hơn 10 năm. Phải sử dụng đến 8 con trâu mộng để kéo cây gỗ làm cột cái. Khi dựng nhà, phải nhờ tới 200 người kéo dây. Khi kéo cột phải tuyệt đối nghe theo hiệu lệnh của người điều khiển nhịp nhàng, nếu chậm một nhịp có khi hỏng việc hoặc xảy ra tai nạn. Loại dây dùng để kéo dài trên 100 m được bện từ một loại dây rừng dẻo dai.

 

Phần khung được dựng với tổng cộng 36 cột. Trong đó có 12 cột to (cao 5,8 m, vòng ôm không xuể), 36 cột vừa, 120 cột nhỏ, đến phần mái cũng phải sử dụng trên 6.000 lá cọ. Hiện tại, sau hơn 40 năm sử dụng ngôi nhà mới chỉ phải sửa lại phần vách và lợp lại mái. Những nét đẹp nguyên sơ thời kỳ trước mang đặc trưng của ngôi nhà sàn của người Tày vùng cao được hội tụ đầy đủ trong ngôi nhà của gia đình ông Nông Văn Sương. Từ những bậc cửa của cầu thang lên xuống hay những chạm trổ giản đơn nhưng không kém phần sắc sảo ở phía đầu hồi, ban thờ ở chính giữa. Theo thời gian những cột gỗ được phủ những lớp khói bếp, bồ hóng càng thêm bóng, thêm bền.


Bây giờ, những ngôi nhà sàn ngày một ít đi thay vào đó là nhà xây khang trang… mới thấy những ngôi nhà sàn như của gia đình ông Nông Văn Sương còn được giữ gìn thật đáng quý. Vừa rồi, có khách Hà Nội đến trả ông Sương hơn 2 tỷ để mua lại ngôi nhà sàn nhưng ông không bán. Ông Sương bảo: “Nhà sàn là nếp nhà truyền thống, mình bán là bán đi cả truyền thống à? Nhất quyết phải giữ lại chứ để con cháu sau này còn biết cái gốc…”. Suy nghĩ của ông Sương cũng giống suy nghĩ của nhiều bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, mái nhà sàn luôn gắn bó, gần gũi và không thể thiếu./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT