Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Cập nhật: 27/03/2012 09:46:11
Số lần đọc: 2287
Sáng ngày 26/3/2012, tại TP.Việt Trì (Phú Thọ), đã diễn ra Tọa đàm khoa học “Tín ngường thờ cúng Hùng Vương – Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam”. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Giỗ tổ Hùng Vương – lễ hội đền Hùng năm 2012.

Tọa đàm được tổ chức nhằm thu thập thêm các ý kiến đánh giá, phân tích về giá trị văn hóa- lịch sử của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; xác định vị trí, sự biểu hiện, sự cần thiết của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống tâm linh người Việt Nam; đưa ra các ý kiến về cách thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; đóng góp ý kiến để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Các ý kiến nhất trí rằng: trong tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng được coi là vị Tổ dựng nước, là Tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể và hoàn toàn khác với những biểu tượng tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới.

Giá trị dễ nhận thấy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị phản ánh lịch sử bởi thờ Vua Hùng là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, một biểu hiện của lòng biết ơn và tôn vinh công lao dựng nước của Tổ tiên. Truyền thống ấy thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm và thể hiện ý thức đạo đức cũng như chứa đựng những ý nghĩa tâm linh cao đẹp của mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt, truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần của dân tôc Việt Nam để vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử.

Tại tọa đàm, các nhà khoa học cũng chỉ ra các nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Theo đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện ở quá trình hình thành và phát triển của nó. Đó là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được vun bồi từ nhiều đời nay. Với sự thiếng liêng và uy nghi của tín ngưỡng thờ Vua Hùng, ý thức cộng đồng dần được hình thành từ trong gia đình, củng cố trong làng xã phát triển trong toàn quốc theo quan hệ huyết thống: dòng máu Lạc Hồng, con cháu Lạc Hồng...

Ở phương diện xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn thể hiện tính gắn kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết của dân tộc. Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây nối kết quá khứ và hiện tại.

Các nhà khoa học đều nhất trí rằng: truyền thống thờ cúng Vua Hùng có sức sống lâu bền và sự lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng người Việt. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 1.417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam.

Trong những năm qua, trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch hàng năm), cùng với tỉnh Phú Thọ, các địa phương trên cả nước như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hoà, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang... đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vị Vua Hùng. Việc thờ cúng Vua Hùng đều được tổ chức trang trọng, thể hiện sự tri ân, báo hiếu với Tổ tiên. Bên cạnh đó, các di tích đền thờ Vua Hùng cũng được đầu tư, tôn tạo, tu bổ thường xuyên. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của đồng bào từ Bắc chí Nam.

Từ những giá trị, ý nghĩa to lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các nhà khoa học đã đưa ra một số kiến nghị nhằm bảo tồn Khu di tích lịch sử đến Hùng cũng như tín ngường thờ cúng Hùng Vương. Các nhà khoa học nhất trí rằng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội; khuyến khích việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống gắn với lễ hội; phục dựng có chọn lọc nghi thức lễ hội truyền thống; khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi ở trong nước và nước ngoài về nguồn gốc, nội dung giá trị truyền thống tiêu biểu, độc đáo của lễ hội; tổ chức du lịch đúng hướng để góp phần phát huy giá trị Khu di tích đền Hùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương, các đối tác kinh doanh du lịch và du khách trong việc bảo tồn di tích...

Bên cạnh đó, ý kiến của các nhà khoa học cũng đã làm sáng rõ những vấn đề đặt ra đối với hồ sơ trình UNESCO xem xét, công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại như: vai trò quản lý nhà nước, sự hài hoà giữa hai yếu tố Nhà nước và cộng đồng trong việc thờ cúng Hùng Vương; mối quan hệ giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; nghi thức hành lễ với sự tham gia của nhân dân – đối tượng giữ vai trò chủ thể trong các hoạt động.../.

Nguồn: website ĐCSVN

Cùng chuyên mục