Tháng 3 đi hội Phủ Giầy
Phủ Giầy là nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tục thờ Đức Thánh mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát (Thanh Hóa), Đền Sòng (Nghệ An)... Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương đông hơn cả.
Phủ Giầy có tên cổ là Kẻ Giầy, sau này được gọi là Phủ Giầy. Ở đây có một hệ thống kiến trúc khá độc đáo, gồm phủ chính, phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu. Phủ chính là một kiến trúc khá qui mô, gồm ba lớp điện thờ, mặt đều quay về hướng nam, trước điện là giếng tròn và cột cờ, trên sân rộng phía trước có xây các nhà bia, nhà trống, nhà chiêng, kiến trúc kiểu bốn mái hai lớp. Tại làng Vân Cát, cách không xa phủ Giầy có kiến trúc phủ Vân Cát. Phía trước đền có hồ bán nguyệt, nối với bờ bằng cầu đá, chạm trổ rất công phu.
Lăng Chúa Liễu nằm gần phủ Chính, được dựng bằng đá, kiến trúc công phu và rất đẹp, độc đáo. Trung tâm lăng là ngôi mộ hình bát giác, mộ ở thế đất cao, có bốn cửa và bậc thang lên xuống. Xung quanh mộ, còn có tường vây quanh theo kiểu lan can đá, lớp nào cũng có cửa vào ở bốn phía. Bốn góc của lớp tường vây quanh và hai trụ cửa ra vào đều chạm đá hình nụ sen. Ngoài hai phủ chính và lăng kể trên, xung quanh phủ Giầy còn có nhiều đền miếu, như đền Khâm Sai, đền Công Đồng, đền Thượng, đền Quan, đền Đức Vua, đền Giếng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng... Tất cả quần thể kiến trúc ấy gần như tập trung trong phạm vi xã Kim Thái, xưa là xã An Thái, thuộc huyện Vụ Bản, cách thành phố Nam Định khoảng 15 km. Đó là vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa bát ngát, có những ngọn núi đá thấp nằm rải rác, làng mạc trù phú, có dòng sông hiền hòa uốn khúc quanh co, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hài hòa và nên thơ.
Du khách trảy hội Phủ Giầy sẽ được ngắm nhìn một quần thể kiến trúc lăng chùa truyền thống vô cùng độc đáo. Hội Phủ Giầy thực sự hấp dẫn khách bởi sự đan xen, hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc.
Tiêu biểu nhất trong hội Phủ Giầy là nghi lễ rước từ phủ chính (Tiên Hương) lên chùa Gôi vào ngày 6/3. Ðám rước rất trang trọng có đội nhã nhạc, bát âm. Ðến ngày 7/3 sinh hoạt văn hóa "Hoa trượng hội". Ðây là nét độc đáo nhất của lễ hội. Mỗi lần xếp chữ cần khoảng 100 phu cờ, mặc đồng phục, chít khăn đỏ, áo vàng, thắt lưng xanh, quần trắng, xà cạp đỏ. Mỗi người cầm cây gậy dài khoảng 2 mét. Người điều khiển gọi là tổng cờ. Vào cuộc chủ lễ xin chữ sau đó theo nhịp trống chiêng rộn rã xếp thành những dòng chữ nho đầy ý nghĩa.
Hoà trong không khí sinh hoạt văn hóa dân gian, du khách còn được xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát cống long đình, xem múa rồng hội trên núi Tiên Hương.... Và khi màn đêm buông xuống, du khách sẽ được đắm mình trong những điệu hát chầu văn tha thiết cùng những đèn trời được thả lung linh sắc mầu huyền ảo.
Trong những ngày hội, nhân dân còn tổ chức nhiều hình thức vui chơi khác như xem hát tuồng, hát chèo, trống quân, kể cả hát xẩm, ca trù, các hình thức thi đấu mang tính thượng võ, như vật, múa võ, kéo co, đánh cờ, chọi gà...
Ngoài các nghi thức tế, rước sách, kéo chữ, xem biểu diễn... hội phủ Giầy còn là ngày hội Chợ. Nơi đây trong ngày hội, người ta bày bán các sản phẩm của địa phương, người đi xem thường là tiện dịp mua sắm thêm vài thứ vật dụng trong ngày hội. Hội không chỉ là sự thể hiện đời sống tâm linh, thưởng thức sinh hoạt văn hóa mà còn thúc đẩy hoạt động kinh tế, thương mại. Các mặt hàng bày bán thật đa dạng, phong phú, từ cái kim sợi chỉ, chiếc cần câu, lưới, vó, dậm, nơm để đánh bắt cá. Các loại giường, tủ, bàn, ghế sản phẩm của làng mộc La Xuyên kề cạnh, các loại giầy, dép, các loại đồ đan lát, dụng cụ sản xuất như liềm, cuốc, dao…. Các mặt hàng sơn mài của phủ Giầy vốn có tiếng từ lâu, các loại gỗ khảm trai, các bức hoành phi, câu đối cũng được bán ngoài chợ trong ngày hội.
Vui hội như vậy, nên người nào đã trẩy hội Phủ Giầy một lần là còn muốn đến nữa. Bởi thế, người dân trong vùng đồng bằng Bắc Bộ đã có câu ca:
Còn trời còn nước còn non
Mồng sáu rước Mẫu ta còn đi xem
Ai về nhắn chị cùng em
Bảo nhau dắt díu đi xem hội này./.