Hoạt động của ngành

Tạo sức bật cho du lịch Lào Cai

Cập nhật: 03/04/2012 09:38:44
Số lần đọc: 2519
Năm 2011, ngành du lịch Lào Cai được bội thu cả về lượng khách trong nước và quốc tế cũng như doanh thu. Tuy nhiên, để tạo sức bật cho du lịch Lào Cai, cần có những bước đi đột phá, sáng tạo.

Tăng trưởng và thách thức

Theo lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh kinh tế suy thoái, nhưng tình hình kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thời gian qua đều tăng trưởng mạnh, doanh thu vượt mức chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2011, Lào Cai đón gần 1 triệu khách du lịch, tăng 9,1% so với năm 2010. Nhờ đó, doanh thu du lịch đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng gần 65% so với năm trước, tạo bước tăng trưởng ngoạn mục cho ngành du lịch Lào Cai.

Một trong những tín hiệu "khởi sắc" cho ngành du lịch Lào Cai trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay là ngay từ đầu năm 2012, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (từ ngày mùng 1 - 7 Tết) đã có 26.000 lượt khách đến thăm Lào Cai. Riêng thị trấn Sa Pa đã đón được 12.000 lượt khách, với lượng khách quốc tế chiếm 60%. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là giá cả và chất lượng một số dịch vụ cũng như chất lượng tua du lịch trên địa bàn chưa thực sự làm hài lòng du khách. Tình trạng tăng giá vé, khan hiếm vé trong ngành đường sắt đã ảnh hưởng đến việc nhận tua của các doanh nghiệp lữ hành. Hơn nữa, thái độ phục vụ, ứng xử văn hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu cá nhân… tuy thời gian gần đây đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu như du khách mong muốn

Bên cạnh đó, giá thành các tua nội địa đưa khách từ Việt Nam sang Trung Quốc chưa được chú trọng. Giá tua từ Việt Nam sang Trung Quốc khá cao so mức chi trả của khách du lịch Việt Nam, chủ yếu do sự chênh lệch tỷ giá đồng tiền giữa hai nước; chính sách điều tiết giấy thông hành xuất, nhập cảnh của nước bạn ảnh hưởng lớn đến việc đón khách Trung Quốc vào Việt Nam qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu,  hệ quả là các doanh nghiệp lữ hành gánh chịu tổn thất. Đặc biệt, vấn đề vận chuyển khách du lịch gặp nhiều khó khăn do hạ tầng còn chắp vá, chưa đồng bộ và chất lượng chưa đảm bảo. Các tuyến đường tham quan bản làng xuống cấp nghiêm trọng, điển hình là các tuyến du lịch cộng đồng trọng điểm như: Sa Pa - Cát Cát; Sa Pa - Lao Chải - Tả Van - Sử Pán - Bản Hồ; Sa Pa - Bản Khoang - Tả Giàng Phình - Mường Hum - Bát Xát, đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng vận chuyển du khách cũng như chất lượng tổ chức các tua du lịch cộng đồng.

Một trong những yếu tố khiến cho du khách quay trở lại Lào Cai là phải có sản phẩm du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi du khách đến với Sa Pa đa phần chỉ loanh quanh tham quan khu vực thị trấn và một số tuyến du lịch bản làng. Vài năm trở lại đây, khu vực này không hề có thêm sản phẩm mới và các nơi thì khai thác du lịch hầu như giống nhau. Riêng dịch vụ cung ứng cho khách leo núi Phan Xi Păng đang ở tình trạng độc quyền, nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp khi tổ chức loại hình du lịch độc đáo này.

Tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Bên cạnh đó là sự không ổn định của lực lượng lao động tại các doanh nghiệp. Số lượng hướng dẫn viên có thẻ quốc tế còn khiêm tốn (toàn tỉnh có gần 70 hướng dẫn viên), trong khi số lượng khách quốc tế đến với Lào Cai ngày một tăng, nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của du khách cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn viên quốc tế giỏi tiếng Trung Quốc. 

Sức bật cho du lịch

Lào Cai được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên du lịch vô giá và nhiều lợi thế tiềm tàng, người dân địa phương đều mong du lịch phát triển xứng tầm. Nếu muốn du lịch Lào Cai "cất cánh", cần phải chung tay cùng hành động. Điều mà các doanh nghiệp du lịch tha thiết mong có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch của địa phương, nhất là hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên là người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động của tỉnh. Xây dựng  các tuyến, điểm du lịch mới đưa vào thử nghiệm ở Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai; nâng cấp các tuyến đường du lịch xuống cấp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho du khách khi đến với địa phương.

Để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các cơ quan có thẩm quyền cần có các biện pháp mạnh hơn trong việc kiểm soát cung ứng dịch vụ đường sắt, cũng như các dịch vụ lưu trú; kiểm soát tình trạng đầu cơ tăng giá vào những dịp lễ hội hoặc mùa cao điểm du lịch... Có như vậy mới kéo du khách trở lại Lào Cai.

Hiện nay, cách làm du lịch vẫn còn thiếu chuyên nghiệp, tư duy quản lý chưa có những đột phá. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn vẫn chưa thể cùng nhau xây dựng một giá chung để các bên cùng hợp sức, tăng khả năng phục vụ lẫn chất lượng dịch vụ cho khách. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là các doanh nghiệp ngành du lịch trên địa bàn cùng nhau liên kết để tiến tới thành lập Hiệp hội Du lịch, qua đó nhằm tạo sức bật và thương hiệu riêng cho du lịch Lào Cai. Phải đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa và thực hiện theo chương trình, chiến dịch có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào thị trường mục tiêu đã xác định; tạo ra sản phẩm mới mà các tỉnh miền núi phía Bắc không có hoặc khác Lào Cai. Để cho du khách đã đến sẽ là những người quảng bá cho Lào Cai tại đất nước của họ./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục